04:18 03/04/2015

Tia hy vọng cho nền hòa bình mong manh ở Myanmar

Bất chấp đầy rẫy những khó khăn đối với tiến trình hòa bình, việc tạm im tiếng súng chắc chắn sẽ tạo nhiều cơ hội để Myanmar tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và cải cách chính trị.

Sau 16 tháng đàm phán khó khăn, cuối cùng Chính phủ Myanmar và 16 nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang nước này đã ký dự thảo Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc.

Sự kiện được cho là mở ra kỷ nguyên mới trong tiến trình hòa bình và hòa giải dân tộc cũng như gieo mầm hy vọng chấm dứt hàng thập kỷ xung đột đẫm máu giữa lực lượng chính phủ với các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang ở Myanmar, một trong những cuộc nội chiến kéo dài nhất thế giới.

Toàn cảnh cuộc đàm phán ngày 30/3. Ảnh: THX/TTXVN


Ở Myanmar có hơn 135 nhóm sắc tộc khác nhau, các nhóm sắc tộc thiểu số chiếm tới 1/3 dân số gần 56 triệu người, mà nhiều trong số đó đều có các lực lượng quân sự riêng. Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948, những nhóm này thường xuyên đụng độ với quân đội.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng xung đột triền miên này là sự phân chia quyền lực và những nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào tại các khu vực do các nhóm sắc tộc kiểm soát.

Sau khi lên cầm quyền tháng 3/2011, chính phủ của Tổng thống U Thein Sein đã ưu tiên thúc đẩy tiến trình tái hòa giải dân tộc, bắt đầu đàm phán với các nhóm dân tộc thiểu số vũ trang từ tháng 11/2013 và đã ký được thỏa thuận ngừng bắn riêng với 14 nhóm vũ trang.

Tuy nhiên, tiến trình hòa bình đã bị phủ bóng đen khi từ cuối năm ngoái xung đột bất ngờ leo thang nhanh chóng ở khu vực phía Bắc bang Shan giáp biên giới Trung Quốc và mới chỉ vài tuần trước ít ai dám hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc.

Chính vì vậy, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã đặc biệt hoan nghênh việc ra được bản dự thảo thỏa thuận nhằm tiến tới chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 60 năm qua ở Myanmar khi cho rằng đây là “một thành tựu quan trọng mang tính lịch sử”.

Mặc dù đạt bước tiến lớn nhưng vẫn còn nhiều lí do để thận trọng về tiến trình hòa bình ở đất nước Đông Nam Á này. Quan trọng nhất là đối thoại chính trị nhằm xác định bản chất của Nhà nước Myanmar sau cuộc xung đột rất khó lường và sự thành công của đối thoại chính trị chưa được đảm bảo.

Hiện chưa có khuôn khổ thảo luận cho đối thoại chính trị - giai đoạn có sự tham gia của các tổ chức xã hội - dân sự, các chính đảng và các bên tham gia thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc.

Đối thoại chính trị lại diễn ra vào thời điểm khá căng thẳng khi Myanmar chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử cuối 2015, trong đó có các cuộc thảo luận về sửa đổi hiến pháp và sự chú ý cũng sẽ tập trung vào việc giải quyết nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya và các vụ lạm dụng nhân quyền.

Thỏa thuận ngừng bắn và kết quả đối thoại chính trị có thể sẽ cho ra đời một nhà nước dân chủ, nhưng trong đó quân đội Myanmar vẫn duy trì được ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, lịch sử với những thỏa thuận ngừng bắn liên tục bị phá vỡ cũng khiến niềm tin giữa chính phủ và các nhóm phiến quân không mấy bền chặt.

Sự chia rẽ giữa chính phủ và quân đội cũng là một rủi ro nữa đối với tiến trình hòa bình Myanmar. Tháng 1/2013, quân đội đã không tuân lệnh của Tổng thống Thein Sein thực hiện ngừng bắn đơn phương ở bang Kachin và do vậy vẫn có nguy cơ xảy ra bất đồng nữa về tiến trình hòa bình.

Tại thời điểm này, dù cùng nhất trí về dự thảo ngừng bắn, song căng thẳng giữa các nhóm phiến quân vẫn liên tục xảy ra, trong đó có cả những vụ đụng độ ở khu vực khai thác mỏ và những khu vực có tầm quan trọng về kinh tế.

Bất chấp đầy rẫy những khó khăn đối với tiến trình hòa bình, việc tạm im tiếng súng chắc chắn sẽ tạo nhiều cơ hội để Myanmar tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và cải cách chính trị.

Như Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Myanmar, ông Vijay Nambiar, nhận định rằng dù còn nhiều khó khăn phía trước, việc đạt được dự thảo thỏa thuận ngừng bắn là điều đáng mừng và là bước ngoặc đầy ý nghĩa, đặt nền móng cho xây dựng tiến trình hòa bình lâu dài và bền vững ở quốc gia Đông Nam Á này, đặc biệt vào thời điểm Myanmar chuẩn bị tổ chức cuộc tổng tuyển cử lịch sử cuối năm nay nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế và chuyển tiếp chính trị.


Khánh Linh