09:08 09/09/2013

Thụt lùi

Nhiều chuyên gia bóng đá đã nhận xét như vậy khi mùa giải 2013 kết thúc. Hai trong số nhiều nguyên nhân khiến V.League 2013 có kết cục không như mong đợi, đó là sự điều hành kém cỏi, thiếu chuyên nghiệp của Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và công tác trọng tài...

Nhiều chuyên gia bóng đá đã nhận xét như vậy khi mùa giải 2013 kết thúc. Hai trong số nhiều nguyên nhân khiến V.League 2013 có kết cục không như mong đợi, đó là sự điều hành kém cỏi, thiếu chuyên nghiệp của Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và công tác trọng tài có quá nhiều vấn đề. Dù đã có 13 năm tồn tại với danh nghĩa chuyên nghiệp, nhưng V.League 2013 đã có sự trượt dài về ý thức chuyên nghiệp, trong đó có nhận thức lệch lạc của một số ông bầu lấy bóng đá làm bàn đạp để nhắm đến những mục đích… ngoài bóng đá.


Chưa mùa giải nào, Ban tổ chức giải bị “vuốt mặt” nhiều như V.League 2013. Cũng chưa có giải đấu nào mà loạn đến mức ai cũng có thể phản ứng, phê phán và dọa nạt, gây áp lực lên những người nắm công tác điều hành, quản lý giải đấu như V.League 2013. Từ công tác trọng tài đến công tác tổ chức, từ Ban trọng tài đến Ban tổ chức, cứ như cá nằm trên thớt. Thậm chí đến ngay Ban tư vấn đạo đức (do chính VPF thành lập) cũng bị chỉ trích mạnh mẽ.


VPF với tư cách đơn vị đứng ra tổ chức, điều hành V.League 2013 đã mất quá nhiều sau một mùa giải đầy sóng gió. Từ những sự cố trọng tài, đến việc XMXT Sài Gòn bỏ giải, rồi những phát biểu tiền hậu bất nhất của các thành viên Ban tổ chức giải đấu… cho thấy, năng lực điều hành bất ổn của VPF, dù tổ chức này tập hợp rất nhiều gương mặt kỳ cựu của làng bóng đá và đang ở năm thứ 2 liên tiếp nhận tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (thay thế VFF). Đây là một công ty được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) giao quyền điều hành tổ chức V.League theo mô hình của bóng đá Nhật Bản. Khi mới đi vào hoạt động, nhiều người kỳ vọng cách làm này sẽ giúp bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp khi mọi mọi sự đều rạch ròi, nhất là trong công tác điều hành giải đấu. Hơn nữa, đây là mô hình được tham khảo từ một giải đấu thành công nhất châu Á thì chắc chắn không hề dở. Thế nhưng, khi càng vào sâu, giải đấu càng bộc lộ sự yếu kém và người hâm mộ càng ngày càng cảm thấy thất vọng về vai trò điều hành của VPF.


Từ những bê bối xảy ra trong suốt mùa giải mà không được Ban tổ chức giải quyết thấu đáo, đã lộ rõ những bất cập của điều lệ giải do VPF xây dựng. Một giải đấu có tiếng là giàu tính cạnh tranh bậc nhất và cũng tiêu tốn nhiều tiền bậc nhất khu vực, cuối cùng đã không có đội phải xuống hạng và non nửa số đội tham gia thể hiện thái độ không còn mặn mà theo đuổi giải. Thất bại này chưa hẳn là do mô hình mới không phù hợp với bóng đá Việt Nam, mà nó phụ thuộc vào năng lực và cách thức vận hành giải đấu.


Khi VPF mới thành lập, đã có 10 nhà bảo trợ bóng đá Việt Nam góp vốn để phát triển giải đấu chuyên nghiệp thực sự, cũng như nâng tầm nền bóng đá trong tương lai không xa. Nhưng vào thời điểm V.League 2013 kết thúc, chỉ còn trụ lại Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An. Nói dại, nếu Hoàng Anh Gia Lai và Đồng Tâm Long An tuyên bố không tham gia vào tổ chức của VPF thì tương lai của V.League sẽ ra sao nhỉ?. Câu trả lời xin dành cho những người điều hành con thuyền bóng đá Việt Nam.


Chắc chắn sẽ còn có những tranh cãi trong đánh giá về thành công hay thất bại của V.League 2013. Nhưng chắc chắn sẽ có những ý kiến đồng thuận khi nói rằng, V.League 2013 tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi bị tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế và đây cũng là nguy cơ sẽ đeo đuổi bóng đá nước nhà ở những mùa giải tiếp theo.


Yến Nhi