04:09 20/04/2011

Thương mại điện tử tạo đà DN nâng sức cạnh tranh

Tại Hội thảo phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015, diễn ra ngày hôm qua (19/4), nhiều ý kiến cho rằng, thương mại điện tử đã có bước phát triển nhanh chóng trong thời gian qua.

Tại Hội thảo phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015, diễn ra ngày hôm qua (19/4), nhiều ý kiến cho rằng, thương mại điện tử đã có bước phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Với sự phát triển đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, thương mại điện tử đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Đã chạy lấy đà

Hoạt động nghiệp vụ của công chức Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) theo quy trình thủ tục hải quan điện tử. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Con số quan trọng nhất thể hiện rõ sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) là về kết nối Internet trong các doanh nghiệp (DN). Theo Cục TMĐT (Bộ Công Thương), DN ngày càng nhận thức được sự quan trọng của TMĐT. Đến nay, tất cả các DN đều đã kết nối Internet. Đối với các DN lớn, tỷ lệ DN có website đã là trên 70% (năm 2004 chỉ là 25%); tỷ lệ DN nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử đạt 95%, tỷ lệ DN sử dụng thư điện tử thường xuyên cho mục đích kinh doanh đạt 96%. Đối với các DN nhỏ và vừa, tỷ lệ nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử đạt 85%, tỷ lệ DN sử dụng thư điện tử thường xuyên cho mục đích kinh doanh đạt 80%.

Theo lãnh đạo Cục TMĐT, tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của TMĐT là có đến 80% trường ĐH, CĐ trên toàn quốc có giảng dạy về TMĐT, trong đó có 2 trường có riêng khoa TMĐT… (theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương). Trong khi năm 2000, toàn quốc không có trường ĐH, CĐ nào quan tâm đến TMĐT và TMĐT chỉ được lồng ghép rất ít trong các môn học khác mà chưa có các môn chuyên ngành riêng về TMĐT. Như vậy, TMĐT giờ đây đã được đào tạo bài bản và có quy mô.

Bên cạnh đó, khung pháp lý về TMĐT cũng đang dần được hoàn thiện. Trước năm 2004, không có một văn bản pháp luật nào quy định về TMĐT và phải đến đầu năm 2006 mới có Luật Giao dịch điện tử. Đến nay đã có khá nhiều luật văn bản, pháp luật liên quan đến TMĐT như: Nghị định về TMĐT, Nghị định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng... Nhìn chung, TMĐT trước năm 2005 mới manh nha, hình thành và thiếu rất nhiều điều kiện để phát triển. Nhưng đến nay, có thể nói TMĐT đã và đang đi vào cuộc sống...

Tăng tốc trong giai đoạn 2011 - 2015

Về triển khai kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015, bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Pháp chế của Cục TMĐT, Bộ Công Thương cho biết, phát triển TMĐT giai đoạn mới sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, thiếu sót của kế hoạch tổng thể trước, đề ra mục tiêu, chính sách, giải pháp cụ thể để đưa TMĐT Việt Nam lên một tầm cao mới.

Đại diện các doanh nghiệp làm thủ tục in hóa đơn theo Thông tư 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính và hướng dẫn làm thủ tục qua Internet tại Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn (TP.HCM) sáng 13/12/2010. Ảnh: Thế Anh- TTXVN


Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, tất cả DN lớn tiến hành giao dịch TMĐT, trong đó 100% sử dụng thường xuyên thư điện tử trong giao dịch sản xuất kinh doanh; 80% DN có website, cập nhật thông tin thường xuyên; 70% tham gia các website TMĐT để mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; 5% tham gia các mạng kinh doanh điện tử; 20% ứng dụng các phần mềm chuyên dụng; hình thành một số sở giao dịch hàng hóa trực tuyến; hình thành một số DN kinh doanh dịch vụ TMĐT lớn có uy tín trong nước và khu vực.

Đối với các DN nhỏ, mục tiêu là 100% sử dụng thường xuyên email trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 45% có website, cập nhật thông tin định kỳ; 30% tham gia các website TMĐT để mua bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng hướng đến phát triển các tiện ích cho người tiêu dùng tham gia TMĐT như: 70% siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 50% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử; 30% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại - dịch vụ như: Vận tải, văn hóa thể thao và du lịch…

Một trong những mục tiêu quan trọng được đưa ra trong kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015 là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trước năm 2013, cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên đối với 80% dịch vụ công liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thủ tục hải quan điện tử, dịch vụ liên quan đến thuế, bao gồm khai nộp thuế giá trị gia tăng và thu thuế thu nhập cá nhân; các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư, bao gồm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện… Năm 2014, cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên với 50% các dịch vụ công liên quan đến thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh. Và năm 2015, 40% đạt mức 4 về cung cấp trực tuyến dịch vụ công liên quan đến xuất nhập khẩu; 20% dịch vụ công mức 4 liên quan đến thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó là các mục tiêu về hoàn thiện văn bản pháp quy cho TMĐT như: Quản lý website; an toàn thông tin, giải quyết tranh chấp và giải quyết các vi phạm pháp luật; bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh theo hướng TMĐT, DN có mã đăng ký riêng; thanh toán trực tuyến, sở hữu trí tuệ…

Thu Hường