12:19 26/12/2014

Thương hiệu cho đèn lồng Việt

Hai năm trở lại đây, cứ vào dịp Tết, các làng nghề truyền thống ở Huế và Hội An lại tất bật với việc sản xuất đèn lồng để xuất khẩu.

Hai năm trở lại đây, cứ vào dịp Tết (cả Tết Dương lịch và Tết Âm lịch), các làng nghề truyền thống ở Huế và Hội An lại tất bật với việc sản xuất đèn lồng để xuất khẩu. Đèn lồng Huế, Hội An, nổi bật với vẻ đẹp thuần Việt, mẫu mã đa dạng, không chỉ tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa, mà còn được xuất sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản...

Đã có thời điểm, truyền thông và dư luận nhiều lần phải kêu lên về đèn lồng Trung Quốc xuất hiện nhan nhản ở các lễ hội hay liên hoan văn hóa ở một số địa phương. Vào dịp lễ, Tết, người ta giăng kín đường phố, khu di tích, nơi vui chơi công cộng bằng những chiếc đèn lồng Trung Quốc. Đèn lồng Việt không còn được chuộng và cứ teo tóp dần.

Đèn lồng Hội An được giới thiệu tại một triển lãm. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Ở Hà Nội, phố Hàng Mã từng là con phố của những đồ thủ công truyền thống, cũng tràn ngập những chiếc đèn lồng được nhập về từ biên giới. Đèn lồng đỏ in chữ nước ngoài cũng một thời gian dài kết chùm “bao vây” Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Không khỏi chạnh lòng khi đến một lễ hội, hay sự kiện văn hóa diễn ra ở trong nước mà phải chứng kiến những chiếc đèn lồng trang trí không còn nét văn hóa Việt Nam! Chạnh lòng vì đâu phải người Việt ta không có đèn lồng, không sản xuất được đèn lồng.

Có người nói, sở dĩ người dân chuyển sang treo đèn lồng có xuất xứ nước ngoài là bởi màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, có thể mua ở bất kỳ đâu và giá lại rẻ. Còn đèn lồng sản xuất trong nước, tuy bền, nhưng giá thành còn quá cao, hơn nữa chưa có mạng lưới tiêu thụ rộng, nên rất khó tìm mua.

Người tiêu dùng thì cứ thấy rẻ là mua và chẳng mấy ai quan tâm nó được sản xuất từ đâu. Khi được hỏi, tại sao không treo đèn lồng Việt Nam, một số người trả lời rằng: Nếu đèn lồng sản xuất trong nước mẫu mã đẹp, giá cả lại cạnh tranh thì chắc chắn sẽ mua đèn lồng nội.

 “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” là một chủ trương đang được người dân cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. Nếu “Người Việt dùng sản phẩm văn hóa Việt” thì còn đẹp gấp nhiều lần, vì nó vừa là hàng Việt, vừa mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam.

Với quyết tâm khôi phục lại nghề sản xuất đèn lồng, Hội An thường tổ chức lễ hội đèn lồng vào dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là hoạt động nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với phố cổ Hội An. Du khách đến thăm Hội An vào dịp này sẽ được ngắm nhìn những con phố rực rỡ đèn lồng. Đèn lồng thắp sáng không gian phố cổ với các loại đèn lồng truyền thống như đèn lồng long, lân, quy, phụng, cây trái đến đèn lồng ông sao, kéo quân và đèn lồng biểu tượng các nhân vật lịch sử, các di tích...

Cũng với mong muốn khôi phục nghề truyền thống của cha ông, tạo chỗ đứng trên thị trường, rất nhiều cơ sở ở thành phố Huế sản xuất đèn lồng, tạo nên những sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, vừa khẳng định thương hiệu đèn lồng Huế vừa quảng bá bản sắc văn hóa Huế đến du khách trong và ngoài nước.

Hình ảnh những ngôi nhà vườn ở Huế treo đèn lồng tạo nên một vẻ đẹp lung linh và đậm nét văn hóa truyền thống. Đèn lồng Huế cũng góp mặt ở nhiều hội chợ, triển lãm, festival nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá về một sản phẩm, một ngành nghề truyền thống của đất cố đô.

Còn ở Hội An, đèn lồng được làm bằng tre, gỗ và dán bằng lụa đã trở thành sản phẩm có thương hiệu, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với sản lượng mỗi năm hơn 1 triệu chiếc. Nghề làm đèn lồng Hội An phát triển đã giải quyết cho thành phố hơn 3.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Để phát triển thương hiệu, các cơ sở sản xuất đèn lồng ở Hội An đã gắn phát triển nghề với phát triển sản phẩm du lịch, hàng lưu niệm. Rất nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam rất thích đèn lồng Huế và đèn lồng Hội An bởi kiểu dáng và màu sắc đẹp, mẫu mã đa dạng và điều đáng nói là vẻ đẹp rất riêng. Có thể nói, đèn lồng được sản xuất tại Huế và Hội An bước đầu xây dựng thương hiệu cả ở trong nước và ngoài nước. 

Do vậy, với sản phẩm đèn lồng Việt, nếu các cơ sở sản xuất và chính quyền địa phương quan tâm đến công tác quảng bá thương hiệu, chú trọng việc cải tiến mẫu mã, nâng cao đến chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, giảm giá thành, thì chắc chắn, người tiêu dùng Việt sẽ quan tâm và ưu tiên sử dụng các sản phẩm đèn lồng trong nước sản xuất.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng, Nhà nước cần hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất phát triển đèn lồng thành sản phẩm hàng hóa. Khi sản phẩm thành nhãn hiệu thân quen cùng với giá cả hợp lý, đèn lồng nội chắc chắn sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thay thế dần lồng đèn nhập ngoại.


Yến Nhi (TTXVN)