Phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiều thương, bệnh binh trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã vươn lên phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Điển hình như thương binh 4/4 Nguyễn Công Sáu ở xã Yên Bình, tỉnh Lào Cai.
Thương binh Nguyễn Công Sáu lau những tấm Huân chương kháng chiến, đó là cách để ông nhớ lại ký ức những ngày bom đạn trên chiến trường. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN.
Tự hào màu áo lính
Đến Tổ dân phố 12 xã Yên Bình, tỉnh Lào Cai (thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái trước đây), hỏi thăm bác Nguyễn Công Sáu, một thương binh vượt khó, một đảng viên 59 năm tuổi Đảng, ai cũng hết lòng ca ngợi bởi bác không chỉ là người lính cụ Hồ mà còn luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, được nhân dân khu phố tin yêu, kính trọng.
Thương binh Nguyễn Công Sáu sinh năm 1944, tại xã Đông Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trước đây (nay là xã Đại Đồng, tỉnh Nghệ An). Năm 1963, khi tròn 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Công Sáu đã làm đơn tình nguyện tham gia vào quân đội thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 đóng quân tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Với người lính năm xưa, ký ức về một thời khói lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí thương binh Nguyễn Công Sáu. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe giảm sút nhưng mỗi khi nhắc đến những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường miền Nam, ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm xúc động và tự hào.
Ông Sáu chia sẻ, tháng 8/1964, đơn vị của ông được điều động sang Lào và đóng tại Saphalakhet; đến tháng 8/1965 ông được chuyển về các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên. Tại đây, ông đã tham gia các trận đánh giặc Mỹ ở quận Phú Cát, Phú Mỹ (Bình Định), huyện An Lão, quận Ba Tơ, quận Minh Long (Quảng Ngãi)... Nhưng có lẽ, trận chiến đấu để lại trong ông nhiều ký ức nhất là đánh vào thành phố Quy Nhơn vào tháng 10/1966. Trước khi bắt đầu trận chiến, nhóm của ông gồm 5 người được tổ chức phân công đi khảo sát trận địa. Sau đó bị phục kích, có 3 đồng đội hy sinh, còn ông thì bị thương ở đầu và đứt mất hai đoạn ruột. Đồng chí Trung đoàn phó, kiêm tham mưu trưởng bị mất cánh tay, do bị mất máu nhiều, chưa kịp rút ra ngoài thì ông bị địch bắt.
Đến tháng 4/1967, ông Sáu bị địch đày ra trại giam Phú Quốc. Gần chục năm tù đày, trải qua biết bao gian khổ, các đợt tra tấn, kìm kẹp, nhưng ý chí và nghị lực của người lính trẻ Nguyễn Công Sáu đã vượt lên tất cả. Ông vẫn kiên trung với lý tưởng cộng sản, kiên quyết không khai báo. Đến năm 1973, sau Hiệp định Pari được ký kết, ông Sáu cùng các tù nhân cộng sản khác được trao trả tự do.
Mở chiếc hộp đã nhuốm màu thời gian, ông Sáu trân trọng nâng niu những kỷ vật thiêng liêng, những tấm huân huy chương kháng chiến, những tờ giấy chứng nhận chiến công đã phai màu. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện, một dấu mốc của những năm tháng ông và đồng đội cùng nhau vượt qua mưa bom bão đạn.
Ngắm nhìn những kỷ vật của mình, ánh mắt của người lính già vẫn rạng ngời niềm tự hào. Với ông Sáu, đây không chỉ là phần thưởng, mà còn là hình bóng của những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, là minh chứng cho một thế hệ thanh niên đã hiến dâng cả tuổi xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Gương mẫu vì nhân dân
Năm 1971, khi hồ Thác Bà, thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trước đây được hình thành, nghề thủy sản bắt đầu phát triển. Năm 1975, ông Nguyễn Công Sáu tham gia công tác tại Công ty Thủy sản Hoàng Liên Sơn. Sau đó ông giữ cương vị Phó Giám đốc xí nghiệp Thủy sản Thác Bà cho đến lúc về hưu.
Năm 1979, ông đón vợ con lên vùng đất mới. Ở vùng đất này, việc đầu tiên ông Sáu nghĩ đến là ổn định gia đình, đẩy mạnh phát triển kinh tế để con cái có điều kiện học tập. Suy nghĩ là vậy nhưng để biến thành hiện thực thật không dễ dàng với một thương binh như ông. Hoàn cảnh lúc bấy giờ ai cũng khó như ai, bản thân ông đồng lương ít ỏi, ba đứa con lại lần lượt ra đời, cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn.
Ở tuổi xưa nay hiếm, thương binh Nguyễn Công Sáu vẫn cần mẫn chăm sóc ao cá 1,6ha. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN
Nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Nguyễn Công Sáu đã tự mình hoạch định và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế gia đình. Bước đầu, ông vay mượn bạn bè, về quê mượn thêm người thân mua gần 6 ha đất tại tổ 17, thị trấn Yên Bình. Khu gần đường, ông Sáu dựng nhà, làm vườn tược, rồi đào gần 2 mẫu 2 ao thả các loại cá; 4,8 ha còn lại trồng cây lâm nghiệp keo, bạch đàn. Với những tính toán hợp lý, phát triển kinh tế “lấy ngắn nuôi dài”, ông đã thành công trên quê hương mới.
Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) của một thương binh hạng 4/4 đã ngoài 80 tuổi. Sau 37 năm về hưu, với ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm và biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Hiện thu nhập của gia đình ông Sáu từ 200-250 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, ông Sáu còn tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Ngoài việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Công Sáu còn tham gia vào nhiều hoạt động của tổ dân phố. Ðược nhân dân tín nhiệm, 17 năm liên tục (1988 - 2015), ông được bầu làm Tổ trưởng kiêm Bí thư chi bộ. Hiện nay, dù đã 81 tuổi, nhưng ông vẫn luôn được nhân dân yêu quý, kính trọng.
Với vai trò là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng, ông Sáu luôn là hạt nhân đoàn kết, tôn trọng ý kiến của quần chúng, tập hợp sức mạnh của đội ngũ đảng viên trong xây dựng đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa cộng đồng, giúp đỡ người nghèo làm ăn, vươn lên sớm ổn định cuộc sống.
Là một thương binh vừa giỏi trong lao động sản xuất, vừa nhiệt huyết và trách nhiệm đối với công tác xã hội tại địa phương, ông Nguyễn Công Sáu vinh dự được tặng thưởng nhiều huân, huy chương gồm: 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; một Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và các Bằng khen thương binh làm kinh tế giỏi của tỉnh.
Nhận xét về thương binh Nguyễn Công Sáu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Yên Bình Đặng Công Hải cho biết, bản thân ông Sáu và gia đình con cháu luôn gương mẫu tham gia các hoạt động phong trào tại xã Yên Bình. Ông Sáu rất tích cực tham gia làm kinh tế như: Trồng rừng; đắp đập chăn nuôi cá và hiến đất cùng bà con nhân dân làm đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, ông Sáu còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại chi bộ, các đoàn thể tại địa phương khu dân cư. Đây là tấm gương sáng để cán bộ đảng viên và thế hệ trẻ học hỏi, noi theo.