02:10 20/02/2016

“Thùng thuốc súng” vẫn chực nổ

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang khi các bên liên quan liên tiếp đưa ra những tuyên bố và có những hành động mang tính đáp trả lẫn nhau.

Dồn dập căng thẳng

Bán đảo Triều Tiên đột ngột “nóng” lên ngay từ những ngày đầu năm mới 2016. Hôm 6/1, Bình Nhưỡng loan báo lần đầu tiên thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch (bom H) nhằm đề phòng “mối đe dọa đến từ Mỹ". Dù chưa xác định được tính xác thực về mặt khoa học, nhưng tuyên bố này ngay lập tức khiến dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan ngại, vì bom nhiệt hạch là loại vũ khí nguy hiểm và có sức hủy diệt gấp hàng trăm lần bom hạt nhân. Một tháng sau, ngày 7/2, bất chấp cảnh báo từ Mỹ và các đồng minh tại khu vực, Bình Nhưỡng lại phóng tên lửa đưa vệ tinh Kwangmyongsong-4 (Quang Minh Tinh-4) vào quỹ đạo với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 15/2 còn đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ thị cần tiếp tục phóng thêm nhiều tên lửa hơn nữa.

Mỹ triển khai thêm các tên lửa đánh chặn Patriot tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hôm 11/2, Triều Tiên tuyên bố trục xuất tất cả các công nhân Hàn Quốc làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong, niêm phong toàn bộ tài sản và thiết bị của khoảng 120 doanh nghiệp Hàn Quốc tại đây, đồng thời chuyển đổi khu vực này thành khu quân sự. Động thái này là để đáp trả quyết định đóng cửa khu công nghiệp - một biểu tượng gần như là duy nhất của hợp tác liên Triều, mà chính quyền Seoul đưa ra trước đó một ngày. Cánh cửa đối thoại giữa hai miền bị thu hẹp dần, khi Triều Tiên hôm 12/2 thông báo cắt đứt hai đường dây nóng cuối cùng kết nối với phía Hàn Quốc.

Đáp lại những tuyên bố, hành động của Bình Nhưỡng, ngày 15/2, Tổng thống Park Geun-hye trong bài phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội tuyên bố Hàn Quốc sẽ có các biện pháp “mạnh mẽ, hiệu quả” hơn nữa nhằm vào Triều Tiên. Đặc biệt, trong một bình luận được xem là ít thấy, bà Park Geun-hye cảnh báo tham vọng hạt nhân sẽ chỉ làm tiến trình “sụp đổ chế độ” ở Bình Nhưỡng diễn ra nhanh hơn mà thôi. Đề cập đến nội dung được cho là đặc biệt nhạy cảm liên quan đến sự tồn vong của thể chế ngay tại thời điểm Triều Tiên tổ chức lễ kỉ niệm 74 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Kim Jong-il (16/2/1941), Tổng thống Hàn Quốc dường như muốn phát đi một thông điệp cứng rắn nhằm vào Bình Nhưỡng.

Mỹ và các đồng minh tại khu vực nhanh chóng đưa ra các biện pháp trả đũa Triều Tiên. Ngày 12/2, dự luật mở rộng trừng phạt Bình Nhưỡng đã được Hạ viện Mỹ thông qua, sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện trước đó 2 ngày. Các biện pháp bổ sung bao gồm phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh và ngăn chặn các thỏa thuận chính phủ, ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp cận các nguồn tài chính cần thiết cho chương trình hạt nhân - tên lửa. Nhật Bản tuyên bố sẽ thực thi lệnh cấm toàn bộ tàu bè qua lại Triều Tiên cập các cảng Nhật Bản, hạn chế du lịch giữa hai nước, ngừng giao dịch chuyển tiền (trừ những giao dịch vì mục đích nhân đạo với số tiền hạn chế dưới 880 USD). Hàn Quốc cũng có những hành động tương tự, bên cạnh quyết định đóng cửa khu công nghiệp Keasong. Không những vậy, cả Washingon, Seoul lẫn Tokyo đều hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua lệnh cấm vận bổ sung.

Nguy cơ chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á?

Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của đòn trừng phạt này được cho là mang tính biểu tượng nhiều hơn và không đủ mạnh để buộc Bình Nhưỡng phải thoái lui. Theo phân tích của tờ Bloomberg (Mỹ), vấn đề then chốt nằm ở chỗ Triều Tiên gần như đóng cửa với giao thương quốc tế, là nước có tỉ trọng trao đổi ngoại thương trên GDP thấp nhất thế giới và 3/4 kim ngạch này là với đối tác Trung Quốc. Washington nhiều lần hối thúc Bắc Kinh tăng sức ép với nước láng giềng, nhất là về kinh tế. Đáp lại, Trung Quốc nói rằng Mỹ và phương Tây đang “thổi phồng” ảnh hưởng của nước này đối với Bình Nhưỡng, rằng Bắc Kinh không phải là nguồn cơn gây ra khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và vì thế không giữ vai trò quyết định đối với tiến trình phi hạt nhân hóa.

Khi những nỗ lực ngoại giao “tháo ngòi nổ” còn chưa thành hình, thì việc gia tăng hoạt động quân sự trên bán đảo Triều Tiên lại khiến dư luận lo ngại. Ngày 17/2, Mỹ điều 4 máy bay ném bom tàng hình F-22 đến căn cứ quân sự tại thành phố Osan, miền Trung Hàn Quốc. Mỹ cũng chuẩn bị điều động tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân USS John C. Stennis (CVN-74) tới tham gia diễn tập quân sự thường niên với quân đội Hàn Quốc, dự kiến diễn ra từ ngày 7/3 đến 30/4 tới. Trước đó, Lầu Năm góc đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 tới Osan, tăng các khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot tại Hàn Quốc. Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng hai nước đã tái khởi động các cuộc đàm phán về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về động thái này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 15/2 nói rằng, việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc là đáng quan ngại, vì phạm vi bao phủ của THAAD vượt xa nhu cầu phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh kịch liệt phản đối bất kì một toan tính của bên nào muốn lợi dụng vỏ bọc là vấn đề hạt nhân (của Bình Nhưỡng) để gây phương hại tới lợi ích an ninh và chiến lược của Trung Quốc - ông Hồng Lỗi bày tỏ, đồng thời nhìn nhận sự xuất hiện của hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc sẽ kích thích một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực.

Cùng ngày, nghị sĩ Won Yoo-chul - quan chức cấp cao của Đảng Saenuri cầm quyền tại Hàn Quốc tuyên bố, Seoul cần sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ để đối phó với Triều Tiên. Dù Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-Koo ngay sau đó khẳng định Hàn Quốc không có bất kì kế hoạch nào theo hướng này, nhưng sức ép nội bộ sẽ gia tăng buộc bà Park Geun-hye phải có hành động cứng rắn, rõ ràng với Bình Nhưỡng. Các cuộc điều tra mới nhất cho thấy đa phần người dân nước này muốn đất nước sở hữu thứ vũ khí này, ủng hộ việc triển khai THAAD.

Giới phân tích nhận định, phi hạt nhân hóa điều phi thực tế tại thời điểm hiện nay. Đàm phán với mục tiêu hạn chế leo thang đã có thể coi là một thành công - tờ New York Times (Mỹ) bình luận. Thế nhưng đây cũng là thách thức không nhỏ, khi mà Triều Tiên chưa cho thấy mục đích thật sự trong các hành động vừa qua, còn Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chưa đạt tới điểm đồng cùng với một đề nghị có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng tham gia đàm phán thực chất.
Hoài Thanh