12:10 02/12/2017

Thuế nhập khẩu ô tô giảm không tác động lớn đến thu ngân sách

Kể từ 1/1/2018, nhiều mặt hàng có thuế suất cắt giảm mạnh theo các cam kết giảm thuế FTA, đơn cử như thuế với mặt hàng ô tô chắc chắn sẽ tác động đến nguồn thu thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc tăng thu thuế nội địa có thể bù đắp cho ngân sách.

Không quá lo ngại về cắt giảm thuế nhập khẩu

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Tính đến 28/11, ngành hải quan thu đạt 261.158 tỷ đồng, đạt 91,6% dự toán, bằng 88,5% chỉ tiêu phấn đấu.

“Kết quả thu ngân sách khả quan nêu trên có sự đóng góp của kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng của năm 2017 ước đạt 384,7 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Trong đó các mặt hàng chủ lực có thuế suất cao đều đạt mức tăng trưởng tốt, như: Ô tô và linh kiện ô tô, xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bị (chiếm khoảng 50%/tổng thu): xăng dầu nhập khẩu các loại tăng 39% về trị giá; sắt thép nhập khẩu các loại tăng 14,3%; máy móc thiết bị nhập khẩu tăng 20,7%”, ông Tưởng nói.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cam kết sẽ thu vượt dự toán là 285.000 tỷ đồng do Quốc hội và Chính phủ giao, phấn đấu đến mức cao nhất để đạt được chỉ tiêu phấn đấu do Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính giao.

Liên quan đến việc liệu giảm thuế theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) sẽ tác động ra sao đến số thu của hải quan, ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết: “Kể từ 1/1/2018, nhiều mặt hàng có thuế suất cắt giảm mạnh theo FTA, chắc chắn số thu sẽ chịu tác động. Đơn cử, đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu, lượng nhập khẩu về Việt Nam đã giảm mạnh từ tháng 9/2017 trở lại đây do doanh nghiệp có tâm lý đợi đến 1/1/2018 thuế suất xuống còn 0%. Tuy nhiên, việc giảm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đã được Chính phủ, Quốc hội tính đến bằng các biện pháp tăng thu nội địa để đảm bảo ngân sách nhà nước”.

Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu Lưu Mạnh Tưởng (ngồi giữa) công bố kết quả thu ngân sách của ngành hải quan trong thời gian qua. Ảnh: H.Anh

Cố gắng thu hồi nợ cuối năm

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, từ đầu năm đến nay, các khoản nợ của ngành hải quan quản lý là 5.406 tỷ đồng, giảm 72 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu 3.770 tỷ đồng, giảm 3% so với cuối năm ngoái. Từ ngày 1/7/2013 đến nay, thực hiện chính sách doanh nghiệp nộp thuế trước thông quan, không được ân hạn như trước, số nợ thuế phát sinh của ngành hải quan nếu tính trên tổng thu ngân sách là không đáng kể. Trong 10 tháng năm nay, số nợ phát sinh chỉ hơn 512 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế trong toàn ngành đối với các khoản nợ có khả năng thu là 1.307 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm tra công tác quản lý nợ thuế tại Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn..., những địa phương có số thu lớn, nợ thuế cao, nợ mới phát sinh tăng... để chống thất thu thuế.

Trước đó, đại diện Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế 940 tỷ đồng trong năm nay nhưng số nợ này chủ yếu rơi vào các trường hợp ấn định thuế kiểm tra sau thông quan, doanh nghiệp bỏ trốn… khiến công tác thu hồi nợ đang gặp nhiều khó khăn.

Một số chuyên gia ngành thuế chia sẻ: Thời gian qua công tác xóa nợ thuế cũng gặp một số khó khăn, khiến cho số nợ thuế tại đơn vị vẫn ở mức cao. Việc xác minh địa chỉ doanh nghiệp gặp rất nhiều gian nan do nhiều trường hợp doanh nghiệp không thông báo khi thay đổi địa chỉ mới cho hải quan, thuế để cập nhật vào hệ thống nên công chức hải quan đến trụ sở doanh nghiệp để đốc thu thì doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký trước đó.

Bên cạnh đó, các chi cục hải quan không thể thực hiện được các biện pháp cưỡng chế như trích tiền lương, kê biên tài sản vì không xác minh được địa chỉ của doanh nghiệp và không có tài sản để kê biên; nhiều doanh nghiệp bán hàng không xuất hóa đơn nên không thể thực hiện được biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Trao đổi thêm về tình hình chống gian lận thuế đối với hoạt động nhập khẩu ô tô và thép xuất khẩu, ngành hải quan đã tiến hành tham vấn giá theo 6 bước và đã kiểm soát chặt việc khai báo giá nhập khẩu của các công ty, tiến hành kiểm tra sau thông quan và ấn định truy thu thuế đối với nhiều công ty.

Đối với mặt hàng thép xuất khẩu (nghi là thép Trung Quốc “mượn” xuất xứ hàng Việt Nam), cơ quan hải quan đang phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành làm rõ. Về phía Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản chỉ đạo hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận đối với mặt hàng này.

Minh Phương/Báo Tin Tức