12:14 21/12/2012

Thực- hư chuyện đào mộ tìm gỗ sưa

Thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho rằng ở xã An Thành (huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) xảy ra tình trạng các khu nhà mồ của đồng bào dân tộc bị đào trộm để tìm gỗ sưa làm quan tài chôn người chết.

Thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho rằng ở xã An Thành (huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) xảy ra tình trạng các khu nhà mồ của đồng bào dân tộc bị đào trộm để tìm gỗ sưa làm quan tài chôn người chết.

Theo tin đồn thì tại đây, có mộ bị một số đối tượng đào một hố nhỏ, khi phát hiện đúng quan tài làm bằng gỗ sưa, bọn chúng đào luôn cả ngôi mộ để lấy gỗ; nếu không có thì chúng bỏ đó và đi đào các mộ khác. Bà con dân tộc trên địa bàn rất hoang mang lo lắng, sợ một ngày gần đây mộ phần người thân của mình sẽ bị đào bới và ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của cả dòng họ.


Kiểm tra ngôi mộ bị đào.

Phóng viên TTXVN đã có dịp "mục sở thị" tại làng Kúk Kon - nơi có thông tin về khu nhà mồ bị đào bới để tìm gỗ sưa. Tại đây không còn dấu vết gì của một khu nhà mồ của người Bahnar cả, mà chỉ là một khu rừng tái sinh với nhiều loại cây cối mọc um tùm. Gần cả trăm ngôi mộ cũ của người Bahnar nằm xen lẫn giữa khu rừng này, có rất nhiều ngôi mộ chỉ còn là những mỏm đất nhô lên với đầy rẫy cây cỏ dại. Và tại đây cũng có khá nhiều ngôi mộ bị đào bới, có mộ bị đào một lỗ nhỏ, có mộ bị đào bới hết cả phần với độ sâu từ 30 - 50cm.

Phần mộ nào cũng chỉ còn lại vài ba cái ghè rượu và một số mảnh vỡ sành sứ của các loại chén bát bị đập vụn nằm lăn lóc trong khuôn viên ngôi mộ. Ông Đinh Sen - Phó làng Kúk Kon cho biết: Cách đây hơn 20 năm, đây là khu nhà mồ của làng với khoảng gần 100 ngôi mộ và đã được dân làng làm lễ bỏ mả từ lâu lắm rồi, bà con không còn ra chăm sóc hàng ngày nữa và coi như hết trách nhiệm. Làng đã hình thành khu nhà mồ mới gần ngay bên cạnh trên quỹ đất rộng và bằng phẳng, các phần mộ đều được bà con giữ gìn sạch đẹp. Còn gỗ đóng quan tài chôn người chết cũng chỉ bằng các loại gỗ tạp thôi, có nhà khá hơn thì vào rừng tìm được gỗ quý như căm xe, cà chít...chứ làm gì có gỗ sưa. Các loại vật dụng chôn theo người chết cũng chỉ là dao, rựa, xoong nồi, chén bát, ghè...và những thứ này cũng bị đập bể, đập méo trước khi chôn theo người chết.


Một góc khu nhà mồ mới ở làng Kúk Kon.

Ngoài khu nhà mồ cũ của làng Kúk Kon bị đào bới, các khu nhà mồ còn lại của các buôn làng dân tộc khác trong xã An Thành đều "bình yên vô sự", không có tình trạng như ở làng KúK Kon. Bởi các khu nhà mồ này vẫn còn có sự chăm sóc của người sống đối với người đã chết, hàng ngày họ đều tranh thủ thời gian ra nhà mồ để cho người chết ăn uống và sửa sang lại từng phần mộ. Theo quan niệm của người Bahnar, người chết nhưng linh hồn của họ vẫn còn sống và thường xuyên về làng sinh hoạt chung với cộng đồng, nên phải biết chăm sóc cho cẩn thận cho đến khi làm lễ bỏ mả.

Ông Phạm Mạnh Tiền - Phó Bí thư Đảng uỷ xã khẳng định: Các đối tượng đào bới ở khu nhà mồ cũ của làng Kúk Kon không phải để tìm gỗ sưa như tin đồn thất thiệt, mà chính là đào để lấy sắt vụn như xoong nồi, dao rựa... vốn được chôn theo người chết để mang bán kiếm tiền tiêu xài. Cũng có thể các đối tượng này tưởng rằng, các vật dụng chôn theo người chết có cả cồng, chiêng quý nên ra sức đào bới để tìm kiếm. Có những phần mộ mới phát hiện bị đào bới trong thời gian gần đây, và cũng có không ít ngôi mộ đã bị đào bới từ những năm trước.

Dù thế nào thì các đối tượng đào bới các phần mộ tại khu nhà mồ cũ hay mới, để tìm lấy gỗ sưa hay sắt vụn đều là xâm phạm đến tập quán, đạo đức của con người và vi phạm pháp luật cần phải được trừng trị nghiêm khắc. Công an huyện Đăk Pơ đã cùng với các cấp chính quyền địa phương "vào cuộc" và đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng đào trộm mộ.

 

Được biết, không riêng gì ở trên địa bàn huyện Đăk Pơ mà trước đây ở một số địa bàn khác cũng có tình trạng này, nhưng không nhiều và cơ quan chức năng cũng đã bắt được một số đối tượng và đưa ra khởi tố trước pháp luật.


Bài và ảnh: Văn Thông