07:18 24/07/2019

'Thúc' tiến độ xây dựng lưới điện giảm tải cho điện mặt trời

Trước tình trạng quá tải công suất tại các dự án điện mặt trời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện, đặc biệt là các dự án cải tạo hay nâng cấp đường dây hiện hữu.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vấn đề này.

Thưa ông, lưới điện khu vực Bình Thuận – Ninh Thuận đang quá tải do có quá nhiều dự án điện mặt trời, điện gió. EVN có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải?

Chú thích ảnh
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN.

Tập đoàn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương để có cơ chế cho các dự án truyền tải, đảm bảo giảm tải công suất. Song, thực tế các dự án đang rất khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên tiến độ bị chậm. Chúng tôi cố gắng làm sao để các dự án được thực hiện tốt nhất.

Với dự án đã nằm trong quy hoạch cho những năm tiếp theo thì Tập đoàn báo cáo xin làm sớm hơn để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là dự án cải tạo hay nâng cấp đường dây hiện hữu. Các dự án mới thì thủ tục phức tạp hơn, EVN sẽ tiếp tục báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương để tháo gỡ thủ tục.

Trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho các dự án thuộc bên nào, thưa ông?

Với những dự án chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, Tập đoàn đã báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo quyết liệt tới các địa phương. Để có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư cũng như ngành điện, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền trong việc “tăng tốc” công tác thẩm tra, thẩm dịnh các dự án, các thỏa thuận hướng tuyến, vị trí trạm... rút ngắn thời gian thỏa thuận hướng tuyến, vị trí, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất…

Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần xem xét, chỉ đạo các sở, ban ngành quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

truyen tai
Đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải để giảm áp lực cho các nhà máy điện mặt trời. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Kế hoạch nâng cấp cụ thể với đường dây 110 và 220 kV hiện hữu ra sao, thưa ông?

Vừa rồi, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành đã họp với Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tổng công ty Điện lực miền Nam để phân ra các dự án cho các đơn vị, đảm bảo trước mắt lưới 110 kV giải tỏa được công suất, còn lưới 220 kV cần thêm thời gian.

Nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu khi các nhà máy thủy điện thiếu nước nghiêm trọng, điện mặt trời, điện gió đã có nhưng lại không dùng được hết. Giải pháp của EVN là gì?

Về điện mặt trời, phí truyền tải và phân phối chiếm khoảng 30% giá thành. Nhưng số lượng giờ phát của điện mặt trời thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/4 so với nhiệt điện than và 1/3 thủy điện nên tổng chi phí có hệ số nhân lên cao hơn. Tuy nhiên, nó cũng hỗ trợ rất nhiều vào giờ cao điểm.

Hiện công suất một số nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm do đang thời điểm nắng nóng cao điểm. Nhưng đến tháng 9, nắng nắng suy giảm thì tình hình sẽ không còn quá căng thẳng nữa.

Do thiếu điện, việc chạy dầu sẽ làm tăng chi phí sản xuất của EVN. Áng chừng 1 kWh điện chạy dầu sẽ tốn 5.700 – 6.000 đồng. Con số dự kiến cả năm nay EVN phải huy động tới 3 tỷ kWh điện chạy dầu.

Thủy điện đang cạn kiệt nước. Than thiếu phải tăng cường nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, giải pháp tối ưu nhất là vận hành hiệu quả các nhà máy nhiệt điện than và nhiệt điện khí.

Xin cám ơn ông!

Đến hết tháng 6/2019, cả nước đã có 89 nhà máy điện gió và mặt trời với tổng công suất lắp đặt 5.038 MW, chiếm 9,5% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Trong một số ngày đầu tháng 7 vừa qua, tính trung bình mỗi ngày toàn bộ các nhà máy điện mặt trời đã đóng góp khoảng hơn 20 triệu kWh, chiếm khoảng 2,7% sản lượng phát điện toàn quốc.

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức