05:22 02/05/2012

Thực phẩm “sạch” cho Hà Nội -Bài toán khó?

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội chưa có một lò mổ nào đúng quy chuẩn, đủ điều kiện giết mổ mà theo lộ trình phải đến năm 2020, Hà Nội mới xây dựng xong các lò mổ đạt tiêu chuẩn tại các huyện ngoại thành.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội chưa có một lò mổ nào đúng quy chuẩn, đủ điều kiện giết mổ mà theo lộ trình phải đến năm 2020, Hà Nội mới xây dựng xong các lò mổ đạt tiêu chuẩn tại các huyện ngoại thành. Đây là tồn tại của Hà Nội khi vẫn phải duy trì các lò mổ cũ, chưa đạt chuẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Bao giờ Hà Nội có sản phẩm chăn nuôi sạch”?

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số lò mổ tập trung, bán công nghiệp tại Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, thì quang cảnh tại đây như “chợ giết mổ lợn”. Tại đây, lợn được giết mổ trực tiếp trên sàn xi măng, thân lợn nằm lẫn trong các chất thải từ lợn như: máu, phân, lông… rất mất vệ sinh. Bên cạnh đó, từng đoàn xe gắn máy ra vào liên tục vận chuyển lợn về các chợ để tiêu thụ không có bảo quản… Ở đây không có khái niệm về “dây chuyền giết mổ vệ sinh” hay ý thức giết mổ, bảo quản để sản phẩm đảm bảo vệ sinh. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền – doanh nghiệp đầu tư gần 10 tỷ đồng cho hoạt động giết mổ cho biết: Số lượng lợn giết mổ của công ty chỉ bằng 1/10 so với các hộ thuê mặt bằng tại đây, công ty cũng muốn làm đúng quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh và đầu tư giá treo thân lợn cho cán bộ thú y lăn dấu nhưng các hộ không tuân thủ, và tự ý dỡ bỏ đi để làm cho nhanh, bên cạnh đó, các hộ cho rằng tình trạng chung của lò mổ không đảm bảo vệ sinh thú y mà vẫn hoạt động nên họ làm theo. Vì vậy để thay đổi việc này thì các cấp, ban, ngành cần có cơ chế chính sách hỗ trợ và quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ chứ một mình doanh nghiệp không giải quyết được.

Mua bán thịt lợn tại chợ Hôm - Đức Viên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Về vấn đề không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty An Thịnh, Thanh Trì, Hà Nội cho biết: Cơ bản thì doanh nghiệp nắm được quy trình giết mổ nhưng trước khi xây dựng thì chưa tìm hiểu kỹ. Vì vậy, hiện công ty đang khắc phục các tồn tại trong giết mổ để đạt được quy định và yêu cầu trong quy trình của ngành giết mổ.

Theo ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, để giải quyết tận gốc vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, lưu thông, thành phố cần có sự hỗ trợ của Trung ương về cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực chăn nuôi như: Hình thành vùng sản xuất hàng hóa; tập huấn đào tạo chuyên ngành thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm và quan trọng hơn phải đẩy mạnh tuyên truyền trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đến mọi người dân.

Không chỉ vấn đề giết mổ, trong chăn nuôi vẫn có tình trạng sử dụng chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước thực trạng này, ông Trần Xuân Việt đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi.

Liên quan đến vấn đề chất cấm - chất tạo nạc trong chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét và làm việc với Bộ Tài chính để điều chỉnh chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi.

Khó vì thói quen và cơ chế quản lý

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Hà Nội, trong quý I/ 2012, đoàn liên ngành các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kiểm tra 572 cơ sở, xử lý tiêu hủy 32 trường hợp với số lượng 168 con gà, hơn 3 tấn gia cầm và sản phẩm gia cầm; 67 kg gia súc, 890 kg da trâu, bò không rõ nguồn gốc; cảnh cáo 16 trường hợp, xử phạt tiền 29 trường hợp vi phạm. Qua kiểm tra 227 mẫu lấy ngẫu nhiên tại các cơ sở chăn nuôi, điểm chợ thì 219 mẫu âm tính với chất cấm Clenbutarôn và Xanhbutamôn. Theo đánh giá, hiện Hà Nội vẫn vẫn còn những hạn chế như: Tỷ lệ sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm chưa được nhiều; công tác quản lý giết mổ thực hiện kiểm soát chưa được triệt để theo quy định của ngành nông nghiệp.

Về vấn đề này, đại diện Sở Y tế thành phố Hà Nội cho rằng: Khó khăn lớn nhất trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là ý thức của người tiêu dùng, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Hiện có khoảng 80% người dân chấp nhận sử dụng sản phẩm thực phẩm chưa qua kiểm soát thú y, sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng chính là nguyên nhân tiếp sức cho người sản xuất – kinh doanh không chấp hành quy định pháp luật, luôn gây khó khăn trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng chia sẻ: Mặc dù Pháp lệnh An toàn vệ sinh thực phẩm được ban hành từ tháng 7/2011 nhưng đến nay vẫn xử phạt theo chế tài cũ do chưa có Nghị định về xử phạt mới. Chế tài xử phạt cũ không có tác dụng răn đe, đây là nguyên nhân khiến đối tượng vi phạm coi thường pháp luật nên công tác xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng: Vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn tồn tại một phần do người tiêu dùng hiện nay vẫn theo thói quen cũ, thích tiện lợi và không quan tâm đến chất lượng của sản phẩm thực phẩm được sản xuất như thế nào. Nếu chúng ta tuyên truyền để người dân hiểu rõ sử dụng sản phẩm an toàn lợi ích cho sức khỏe thì những sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ không còn chỗ đứng, sẽ bị tẩy chay. Có như vậy thì toàn bộ sản phẩm thực phẩm mới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hoàng Linh