03:16 25/03/2011

Thực phẩm ngoài Nhật Bản chưa bị nhiễm phóng xạ

Các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) gồm Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/3 đã ra tuyên bố chung khẳng định, không có bằng chứng cho thấy thực phẩm ở các quốc gia ngoài Nhật Bản đã bị nhiễm phóng xạ.

Các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) gồm Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/3 đã ra tuyên bố chung khẳng định, không có bằng chứng cho thấy thực phẩm ở các quốc gia ngoài Nhật Bản đã bị nhiễm phóng xạ.

Cố vấn đặc biệt về khoa học và công nghệ của IAEA, ông Graham Andrew nhấn mạnh, trong mấy ngày qua chưa phát hiện nguy cơ nghiêm trọng nào đối với sức khỏe con người, nhưng vẫn cần hết sức thận trọng.

Một ngày trước, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng khẳng định, không có mây phóng xạ trong khí quyển Trái Đất sau khi xảy ra sự cố hạt nhân tại Nhật Bản, mà chỉ có mức phóng xạ cao hơn bình thường ở tầng không khí thấp so với mặt đất. Sự phát tán phóng xạ được hạn chế tại tầng rất thấp của khí quyển, theo đó, các đợt gió từ phía bắc tiếp tục đẩy lượng phóng xạ bị phát tán ra ngoài đại dương. Tuy nhiên, diễn biến tình hình còn phụ thuộc vào sự biến đổi thời tiết trong những ngày tới.

Phân phát nước đóng chai cho trẻ em tại văn phòng bảo trợ ở Tôkyô ngày 24/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Ủy ban châu Âu (EC) ngày 23/3 thông báo, không có dấu hiệu cho thấy những đám mây nhiễm phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Nhật Bản gây tác động tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu trước báo giới, nữ phát ngôn viên của EC, bà Marlene Holzner, cho biết hàng nghìn thiết bị đo mức phóng xạ hiện đang hoạt động tại nhiều nước thành viên EU. Phân tích kết quả từ các thiết bị này, giới chuyên gia khẳng định không có dấu hiệu cho thấy mức phóng xạ tại châu Âu hiện nay cao hơn mức cho phép.

Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 24/3 đưa tin, nhà chức trách tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đã phát hiện phóng xạ cao hơn mức bình thường trên một máy bay vận tải của Nhật Bản tại thành phố cảng Đại Liên hồi tuần trước. Mức phóng xạ đo được từ hàng hóa trên máy bay này là 2,2 microsievert/giờ, cao hơn bình thường 22 lần. Tuy nhiên, chiếc máy bay không phải rời đi.

Tại Nhật Bản, Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO) - đơn vị vận hành Nhà máy Fukushima 1 - ngày 24/3 cho biết, hàm lượng phóng xạ iốt đo được trong nước biển gần nhà máy này đã cao gấp 147 lần mức cho phép.

Cùng ngày, các quan chức thủ đô Tôkyô cho biết lượng phóng xạ iốt trong nước máy tại thành phố này đã ở mức an toàn với trẻ sơ sinh. Một ngày trước, người dân Tôkyô được khuyên không dùng nước máy cho trẻ em dưới 1 tuổi, đã đổ xô đi mua nước đóng chai khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm.

Trước tình trạng này, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano đã kêu gọi người dân bình tĩnh, không hoảng loạn và tránh đổ xô tích trữ nước đóng chai. Chính quyền Tôkyô đã cử người phân phát 240.000 chai nước uống đến nhà của khoảng 80.000 trẻ dưới 1 tuổi trong thành phố. Hãng hàng không Philippine Airlines cho biết đang vận chuyển 70.000 chai nước loại 350 ml do công ty nước uống Asia Brewery tặng Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cũng không loại trừ khả năng nhập khẩu nước đóng chai từ nước ngoài.

TTG – Thùy Dương