05:00 16/05/2012

Thực hư mô hình trường thực nghiệm

Mở đầu cho mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay, sự việc phụ huynh xếp hàng mua đơn xin học trước cổng trường PTCS Thực nghiệm (như Báo Tin tức đã đưa tin trên số báo ra ngày 14/5/2012) khiến nhiều người đặt câu hỏi mô hình thực nghiệm là gì mà nhiều phụ huynh tin tưởng như vậy?

Mở đầu cho mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay, sự việc phụ huynh xếp hàng mua đơn xin học trước cổng trường PTCS Thực nghiệm (như Báo Tin tức đã đưa tin trên số báo ra ngày 14/5/2012) khiến nhiều người đặt câu hỏi mô hình thực nghiệm là gì mà nhiều phụ huynh tin tưởng như vậy?

 

“Khác” về phương pháp giảng dạy


Điều đầu tiên khi nhìn vào trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) là sân chơi, bãi tập rộng rãi. Sĩ số của mỗi lớp học chỉ từ 35 - 40 học sinh. Ở đây, học sinh được chọn học theo hai chương trình: sách giáo khoa (chương trình đại trà) hiện hành hoặc chương trình thực nghiệm.


 

Trong giờ học của lớp 1E trường PTCS Thực nghiệm.

Chị Trần Thị Thắng (ở Cổ Nhuế, Từ Liêm) có cậu con trai đang học lớp 3 tại trường chia sẻ: “Con tôi học theo chương trình đại trà. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất mà tôi thấy là phương pháp dạy học của giáo viên. Các cháu được học theo tiết, trung bình mỗi tiết học 40 - 45 phút. Trong khoảng thời gian ấy, giáo viên có nhiệm vụ giảng cho học sinh hiểu bài. Giờ ra chơi là ra chơi, không có tình trạng có học sinh chưa hiểu phải ngồi lại để nghe giảng. Trường cũng không khuyến khích phụ huynh ngồi cùng con làm bài tập ở nhà. Tôi có hỏi cô Hiệu phó nhà trường thì cô nói rằng, dạy như thế mới đúng theo phương pháp thực nghiệm. Điều tôi nhận thấy ở con tôi cũng như bạn bè chúng là sự tự tin, tính chủ động trong giao tiếp cũng như ý thức tự giác làm bài tập về nhà. Ở đây giáo viên không dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức mà theo hướng rèn luyện kỹ năng cho học sinh”. Chia sẻ những so sánh với học sinh trường khác, chị Thắng cho rằng: “Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác cũng biết ở trường ngoài học sinh được học nâng cao. Và con mình có thể không chạy đua được điểm số. Tuy nhiên, với bậc tiểu học, các cháu chỉ rèn luyện được kỹ năng là khá ổn”.


Đầu tháng 6 sẽ tiến hành “đo nghiệm” Bà Lê Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng trường PTCS Thực nghiệm cho biết, việc đo nghiệm được thực hiện trong ngày 2 - 3/6 sắp tới sẽ không yêu cầu kiểm tra kiến thức, không cần học sinh phải biết đọc, biết viết, biết làm toán... mà chỉ đo nghiệm về thể chất, các chỉ số IQ, EQ. Với nguyện vọng học đông như năm nay, trong khi số lượng tuyển có hạn, trường sẽ phải rất vất vả trong khâu tuyển sinh. Sau sự việc này trường sẽ nghiên cứu phương pháp tuyển sinh phù hợp cho mùa tuyển sinh năm tới.

Còn chị Nguyễn Thanh Tú (Láng Hạ, Đống Đa) chia sẻ: “Con tôi học chương trình thực nghiệm bao gồm những môn như: Âm nhạc, Kỹ thuật, Thể dục, Toán, Văn, tiếng Việt, tiếng Anh. Đối với môn Văn, giáo viên không khuyến khích bố mẹ tác động vào mà để cho các cháu tự do viết theo suy nghĩ. Mỗi tối con tôi chỉ mất hai tiếng làm bài tập về nhà và đi ngủ đúng giờ”.


Giải thích về hiện tượng vừa qua, bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường PTCS Thực nghiệm cho rằng, có thể trong vài năm gần đây trường đã có những hoạt động tốt, có những lứa học sinh đạt kết quả học tập cao. Nguyên nhân sâu xa nữa là trường xây dựng tiêu chí môi trường thân thiện, nhà trường khuyến khích khả năng sáng tạo, chủ động của học sinh. Chương trình học không nặng nề, thiết kế các tiết học phù hợp với tâm lý, lứa tuổi học sinh. Với những học sinh làm bài chưa đúng, giáo viên không bao giờ so sánh hoặc có sự chê bai ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh… Học sinh thực nghiệm ra trường thường được nhận xét là tự tin, có khả năng nói lên ý kiến của mình, chủ động trong các hoạt động. Đây chính là truyền thống của nhà trường.

 

Nghiệm thu “giáo dục” là cả quá trình


Theo GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thì một bộ phận phụ huynh chưa thực sự nắm bắt được nội dung, chương trình đang triển khai tại trường mà chỉ xin học theo tâm lý đám đông. Trong khi chương trình hiện nay vẫn đang là “thực nghiệm” chưa được công nhận, nghiệm thu. Qua hơn 30 năm hoạt động nhưng đến nay Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa chính thức đưa chương trình triển khai rộng rãi. Phụ huynh nên quan tâm đến khả năng rủi ro với chương trình giáo dục đang được thí điểm. Nhu cầu cho con vào trường học này ngày càng lớn nhưng không thể vì đáp ứng nhu cầu đó mà có thể mở rộng ngay. Điều này đòi hỏi phải qua quá trình đánh giá chuyên môn nghiêm ngặt. Phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng khả năng của con cũng như chương trình có phù hợp hay không để theo học chương trình này.


GS.TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, Viện chưa đề xuất với Bộ nhân rộng mô hình này bởi việc thực nghiệm giáo dục khác với thực nghiệm khác, nên nghiệm thu là cả một quá trình. Quá trình nhân rộng mới chỉ dừng ở quy mô hẹp, cụ thể với môn tiếng Việt lớp 1. Việc triển khai đại trà mô hình trường sẽ thực hiện nếu các vấn đề như: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy học… phải đồng bộ.

 

Lê Vân