09:17 30/09/2014

Thực hiện quyết liệt các giải pháp, đạt tăng trưởng 5,8%

Kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tinh thần chung là phải phấn đấu quyết liệt, nhất là mục tiêu tăng trưởng 5,8%.

Kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2014 diễn ra trong 2 ngày 29-30/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tinh thần chung là phải phấn đấu quyết liệt trên cơ sở các nghị quyết, chủ trương đã có; phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; năng động, sáng tạo, sâu sát với mục tiêu là những gì đã đề ra từ đầu năm phải đạt cao nhất, nhất là mục tiêu tăng trưởng 5,8%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, qua thực hiện nhiệm vụ tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, khá đồng đều trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội…

Những kết quả đạt được theo hướng ổn định hơn, vững chắc hơn, “kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn; sản xuất kinh doanh tuy vẫn còn khó khăn nhưng số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng lên nhiều ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tuy có giảm nhưng vốn đăng ký tăng lên… ”. Đây là sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, sự điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao sự nỗ lực của các đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Phó Thủ tướng được Thủ tướng phân công phụ trách lĩnh vực; các đồng chí đã sâu sát, quyết liệt, đề cao trách nhiệm, bám việc cụ thể… Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; phải sâu sát hơn nữa, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.

“Tăng trưởng theo mục tiêu 5,8% như phát biểu của các đồng chí là khả thi, song chúng ta không dừng lại ở đây, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, nếu đạt được 6% thì quá tốt… Đạt 6% ở đây cũng là đạt vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế của nền kinh tế cần phải quan tâm khắc phục, trong đó nổi lên là: tổng cầu vẫn còn yếu; sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn; nợ xấu còn lớn; giải ngân vốn đầu tư còn chậm; vốn đối ứng còn thiếu; cân đối ngân sách khó khăn; nợ công tăng nhanh dẫn đến phần ngân sách bố trí trả nợ tăng lên; chi thường xuyên tăng; việc thực hiện các đột phá chiến lược có mặt còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh có những mặt, lĩnh vực còn thấp.

“Chúng ta phải nhìn cái được để khẳng định; cái không được cũng phải nói rõ, không bôi đen, phải thấy hướng xử lý thế nào để tốt hơn", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu cần khắc phục những mặt chưa vững chắc, trong đó có việc nợ công tăng nhanh, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có phương án đánh giá lại toàn bộ nợ công, cụ thể thế nào, khả năng trả nợ ra sao, đề xuất giải pháp xử lý nợ công, cùng với đó là quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu trên tinh thần không sử dụng ngân sách nhà nước vào xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp phù hợp xử lý hiệu quả nợ xấu, tham gia cùng doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục quan tâm tăng tín dụng cho nền kinh tế theo mục tiêu kế hoạch, song tăng dư nợ tín dụng phải đi liền với chất lượng tín dụng để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu, “không khéo chúng ta sốt ruột đẩy tăng tín dụng lại đồng nghĩa với tăng nợ xấu, chất lượng tín dụng phải bảo đảm”.

Nhấn mạnh lãi suất giảm như hiện tại là tốt; tỷ giá ổn định, thị trường vàng quản lý như vậy là tốt… song Thủ tướng cũng lưu ý, theo tín hiệu thị trường, theo kết quả kiềm chế lạm phát đạt được, việc điều hành lãi suất thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước phải xem xét tích cực việc này.

Liên quan đến sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “sản xuất kinh doanh là cái gốc, cái nền ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện thuận lợi cơ bản để phục hồi, khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh, chúng ta đã làm được cái nền cơ bản này; từ nay đến cuối năm và năm tới, cố gắng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh qua đó để có tăng trưởng; sản xuất kinh doanh bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thu hút đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh bởi muốn tăng trưởng thì phải đầu tư, xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư; khuyến khích tối đa, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, cơ sở hạ tầng… Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch lao động theo theo hướng ly nông nhưng không ly hương.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm đến hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; xúc tiến mạnh các hoạt động thương mại để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của Việt Nam sang các thị trường tiềm năng còn lớn; “muốn tăng 1kg tôm, 1kg gạo đều phụ thuộc vào thị trường, chúng ta phải cố gắng, làm mạnh việc mở rộng thị trường”.

Đồng thời phải xác định rõ du lịch là một thế mạnh, phải khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tới Việt Nam… qua đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh thông qua cổ phần hóa, cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị… Thủ tướng nêu rõ: “Ai thắng ai quyết định ở năng suất lao động”.

Lấy ví dụ cụ thể từ Tổng Công ty hóa chất Đức Giang (thuộc Tập đoàn Nhà nước), sau khi cổ phần hóa (Nhà nước chỉ còn giữ 20% cổ phần), từ một doanh nghiệp yếu kém đến nay Tổng công ty này đã phát triển mạnh, tự đầu tư thêm 6 nhà máy hóa chất, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chính là để tạo ra doanh nghiệp hiệu quả, tạo ra động lực như vậy”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; các đột phá chiến lược, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững...

“Chúng ta nói đến nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh… mà năng suất lao động thế này thì nói lên nhiều chuyện quá. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 61% mức lao động bình quân của các nước ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia."

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể vấn đề năng suất lao động, phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể để cải thiện và nâng cao năng suất lao động.

Đề cập các nhiệm vụ an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, cố gắng cao nhất để đạt mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động trong năm 2014 (hiện đã giải quyết việc làm được cho trên 1,5 triệu lao động); giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững; chú trọng phát triển y tế, văn hóa, giáo dục,…

Ở lĩnh vực y tế, cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt 3 nhiệm vụ là giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế, phòng chống dịch bệnh; đồng thời nêu rõ số người tử vong vì bệnh lao hàng năm còn hơn cả số người tử vong do tại nạn giao thông, cho đây là “thực trạng đáng lo ngại, nhất là đa phần bệnh nhân lao là người nghèo”.

Thủ tướng nhấn mạnh phải hết sức quan tâm, thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống bệnh lao, trong đó việc cấp thuốc miễn phí, kinh phí, tuyên truyền thế nào phải làm khẩn trương, dứt khoát.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương không ngừng củng cố tiềm lực an ninh - quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa trấn áp các loại hình tội phạm.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về mọi mặt tình hình kinh tế-xã hội, qua đó định hướng dư luận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra cho năm 2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ chuẩn bị tốt các Báo cáo để phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ được khai mạc vào giữa tháng 10 tới; chuẩn bị tốt nội dung, chủ động giải đáp, giải thích, giải trình, trả lời chất vấn các vấn đề mà Quốc hội và cử tri quan tâm.

Tại Phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe Tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án. Các thành viên Chính phủ nhất trí về chủ trương đầu tư Dự án. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện tờ trình, thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Về Báo cáo một số biện pháp đẩy mạnh thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma túy và mở rộng chương trình điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Methadone, các ý kiến cơ bản nhất trí với đề xuất, kiến nghị nêu trong Báo cáo, đưa vào Nghị quyết của Chính phủ.


Thiện Thuật