05:12 16/05/2019

Thực hiện Quy hoạch khai thác, sử dụng Titan - Bài 3: Còn nhiều bất cập trong quản lý

Là địa phương tập trung hơn 90% trữ lượng Titan của cả nước, tỉnh Bình Thuận lẽ ra phải nhận được nhiều nguồn lợi từ loại khoáng sản dồi dào và quý hiếm này, nhưng do công tác quy hoạch, quản lý, khai thác còn nhiều bất cập nên Titan đang là “thủ phạm” gây ra không ít bức xúc tại địa phương.

Chú thích ảnh
Sự cố vỡ bờ moong khai thác của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường tại mỏ Nam Suối Nhum (xã Thuận Quý và xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) năm 2016. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Hàng loạt sai phạm

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 khu vực được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến. Có 4 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Hiệp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Cảnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sài Gòn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Quang Cường.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các doanh nghiệp này. Ngoài vi phạm về thiết kế, bảo vệ môi trường, một số doanh nghiệp còn không đóng các khoản phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo quy định. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác lậu Titan thời gian qua cũng xảy ra khá phổ biến, gây bức xúc tại địa phương…

Cụ thể: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Hiệp sai sót về thông số của hệ thống khai thác, lập bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản chưa đầy đủ thông tin; đất làm bãi thải có diện tích chưa thực hiện thủ tục thuê đất. Theo thông báo số 1973/TB- DCKS ngày 25/7/2018 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Công ty bị “đình chỉ” hoạt động khai thác để khắc phục các tồn tại, vi phạm trong thời gian 90 ngày. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty về hành vi lấn chiếm đất đối với diện tích sử dụng làm bãi thải nhưng chưa thuê đất.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sài Gòn khai thác Titan ở khu phố Long Sơn, phường Mũi Né (thành phố Phan Thiết) chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; việc xây dựng kế hoạch quan trắc chất lượng nước, mực nước tại khu vực khai thác khoáng sản chưa được cơ quan có thẩm quyền có ý kiến để triển khai thực hiện, chưa nộp tiền cấp khai thác khoáng sản; bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản chưa đầy đủ thông tin.

Năm 2018, Công ty bị xử phạt 125 triệu đồng về hành vi thi công các hạn mức thăm dò nước dưới đất vượt quá 10% so với khối lượng đã được phê duyệt; thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo Thông báo số 1971/TB- DCKS ngày 25/7/2018 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Công ty này cũng bị “đình chỉ” hoạt động khai thác để khắc phục các tồn tại, vi phạm trong thời gian 90 ngày.

Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Quang Cường với dự án mỏ Titan ở Nam Suối Nhum, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt…

Cấp phép theo kiểu "chia phần"

Trên cơ sở khảo sát và điều tra của nhóm các chuyên gia Liên minh khoáng sản, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, việc cấp phép mỏ manh mún, nhỏ lẻ và không hết tầng chứa quặng của cơ quan cấp phép đã và đang gây ra "thảm họa" cho ngành Titan.

Trước hết, phải nói đến tình trạng thiếu căn cứ khoa học trong việc cấp phép thăm dò và khai thác. Các dự án đã cấp phép khai thác còn hiệu lực đến tháng 12/2026 (với 27 giấy phép) có trữ lượng khoảng 21 triệu tấn, tổng công suất khoảng 1,4 triệu tấn/năm, thời hạn tồn tại bình quân của mỗi dự án 15 năm. Việc cấp phép manh mún, nhỏ lẻ chính là nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng khai thác không bài bản “dễ làm, khó bỏ” gây tổn thất tài nguyên, tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, việc phân cấp cho UBND các tỉnh trong việc cấp phép thiếu kiểm soát chặt chẽ đã và đang dẫn đến tình trạng cấp phép “chia phần, manh mún”, không có tiêu chí, tiêu chuẩn. Ngoài ra, các tỉnh hầu như không có đủ các điều kiện (nhân lực, chuyên môn) để thẩm tra các dự án và cấp phép.

Cụ thể, trong tổng số 19 dự án Titan được quy hoạch, có 7 dự án đã cấp phép đang hoạt động với tổng trữ lượng 7,018 triệu tấn, bình quân mỗi dự án có trữ lượng khoảng 1,002 triệu tấn, công suất bình quân 54.419 tấn/năm, thời hạn khai thác 37 năm. 10 dự án sẽ cấp phép từ năm 2017-2026 có tổng trữ lượng 27,98 triệu tấn, bình quân mỗi dự án có trữ lượng được cấp khoảng 2,8 triệu tấn, quy mô công suất 60.000 tấn/năm và thời hạn khai thác 42 năm.

Đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế các khu vực từng xảy ra nhiều sai phạm, ông Nguyễn Văn Tám, nguyên Trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên Môi trường Bình Thuận cho rằng, suốt trục đường Võ Nguyên Giáp, DT 716, DT 706 dài gần 50 km ven biển, từ thành phố Phan Thiết đi về hướng Bắc, qua Hòn Rơm, Bàu Trắng, có rất nhiều dự án khai thác Titan. Với các dự án đã kết thúc khai thác, các hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, dù đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt song thực tế triển khai không đạt yêu cầu quy định. Hai khu vực khai thác Titan của Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Sài Gòn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Hiệp tại Long Sơn (phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết) nằm cận nhau trải ngút tầm mắt, với tổng diện tích khoảng gần 1.000 ha, trong hiện trạng bị đào bới nham nhở. Đồi cát với hệ thực vật bản địa đặc trưng là cây bụi, cây dại… vững chãi có tác dụng chắn cát, giữ nước nơi đây, nay đã trọc lốc. 

Tương tự, quan sát từ trên đỉnh đồi cao nhất của khu Thiện Ái, với bốn phía đều là các dự án Titan, việc hoàn thổ như ban đầu của 5 Công ty từng khai thác tận thu sa khoáng Titan, Zircon, Monazite ở đây rất qua loa. Sau cuộc đại “đào bới” địa hình nơi đây là việc hình thành những cồn cát nhân tạo “cát bay, cát nhảy”; những hố cát sâu hơn chục mét, rộng hàng ngàn m2 lún phún những cây phi lao trồng hoàn thổ thưa thớt và èo uột. “Khả năng sống sót những cây này rất thấp, trong khi nơi đây rất dễ xảy ra những cơn bão cát, sạt lở (do cát sau khai thác titan không còn khả năng kết dính)”, ông Nguyễn Văn Tám cho biết.

Bài cuối: Nhìn từ góc độ khoa học

Diệu Thúy (TTXVN)