08:21 05/08/2018

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) bằng những giải pháp thiết thực, phù hợp

"Để Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) thực sự đi vào cuộc sống, cần phải cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương".

Đây là mục tiêu được Tỉnh ủy Hưng Yên đang triển khai, nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Chú thích ảnh
Tỉnh ủy Hưng Yên quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng. Ảnh: baohungyen.vn

Triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ", Tỉnh ủy Hưng Yên đã đưa ra 19 nhiệm vụ và giải pháp cho công tác cán bộ.

Trong đó, Hưng Yên kiên quyết đấu tranh với các đối tượng có biểu hiện chạy chức chạy quyền, lạm dụng chức quyền để thực hiện các hành vi sai trái; kịp thời thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ, sắp xếp, sử dụng hiệu quả đúng với năng lực chuyên môn, trình độ của mỗi người.

Đề cao vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng chia sẻ: Trong đánh giá cán bộ, tỉnh xác định lấy hiệu quả công việc làm thước đo chính, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có những giải pháp đột phá, giải quyết tốt công việc tại địa phương, đơn vị mình.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thực hiện bố trí bí thư, chủ tịch cấp huyện không phải là người địa phương tại 6/10 huyện, gồm: Văn Lâm, Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ, Yên Mỹ, Kim Động. Từ nay đến năm 2025, Hưng Yên phấn đấu 10/10 bí thư huyện, thành phố không phải là người địa phương.

Với Nghị quyết số 27-NQ/TW về "Cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp", ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh đang quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương. Hàng năm, tỉnh dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương cho cải cách chính sách tiền lương.

Đồng thời, Hưng Yên tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên; bãi bỏ các khoản chi ngoài lương như: bồi dưỡng hội họp, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hội thảo...

Thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về "Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội", tỉnh Hưng Yên đề ra 6 giải pháp cơ bản. Tỉnh coi trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo nhiều việc làm cho lao động; quan tâm nhà ở cho công nhân ở các huyện có nhiều dự án đang hoạt động như Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ. Đồng thời, Hưng Yên khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân; huy động các nguồn lực để hỗ trợ một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã chỉ rõ trong các nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) và chương trình hành động, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Việc triển khai thực hiện tránh dập khuôn, hình thức, chạy theo phong trào, phải có chuyển biến tích cực, đổi mới và hiệu quả; tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Mai Ngoan (TTXVN)