12:17 16/12/2015

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): Đổi mới toàn diện công tác cán bộ

Đổi mới toàn diện và mạnh mẽ công tác cán bộ là một trong những giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng xác định cần tập trung thực hiện.

Trên thực tế, công tác cán bộ đã được các cấp ủy Đảng triển khai thực hiện khá đồng bộ ở tất cả các khâu, có những đổi mới quan trọng, tích cực cả về đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch vững mạnh.

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái cùng đồng bào dân tộc Dao đi tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Đánh giá đúng “tâm” và “tầm” của cán bộ

Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, là công việc thường xuyên của các cấp, các ngành, được cụ thể hóa thành các nguyên tắc, tiêu chuẩn, có quy trình và phương pháp phù hợp với từng đối tượng cụ thể, nhằm đánh giá đúng “tâm” và “tầm” của cán bộ.

Nổi bật trong công tác đánh giá cán bộ là việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình của tập thể, cá nhân là dịp để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại bản thân mình, thấy rõ ưu điểm để phát huy và hạn chế, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục, từ đó tự điều chỉnh nhận thức, hành vi của bản thân và gia đình.

Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật, chỉ tính trong 3 năm (2012, 2013, 2014), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật hơn 54.000 đảng viên ở các cấp và khai trừ khỏi Đảng hàng nghìn trường hợp khác, đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm; siết lại kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng.

Theo đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, việc đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được yêu cầu nhấn mạnh hơn, quyết liệt hơn các tiêu chuẩn về lập trường tư tưởng chính trị; năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả công việc; uy tín trong Đảng, trong nhân dân; tư duy đổi mới, sáng tạo, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh; đoàn kết, quy tụ đội ngũ cán bộ; phong cách công tác khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; minh bạch, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ; khả năng phát hiện và sử dụng người có đức, có tài; không tham ô, tham nhũng; có thái độ kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham ô, tham nhũng, tiêu cực và phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động, trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Những tiêu chuẩn này cụ thể, rõ ràng và mang tính định lượng hơn, là tấm gương soi cho cán bộ, đảng viên tự sửa mình trong công việc. Đây là cơ sở quan trọng và là điều kiện tiên quyết để đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo,luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ cũng như cho việc chuẩn bị nhân sự của đại hội đảng bộ các cấp. Trong Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các tiêu chuẩn này đã được lưu ý rất rõ ràng trong hướng dẫn công tác nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp.

Để tạo sự khách quan trong đánh giá, lựa chọn cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 262 quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đây là một chủ trương mới, đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm và đồng tình, ủng hộ. Quốc hội khóa XIII đã hai lần tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan, đơn vị ở Trung ương cũng đã tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm. Trung ương và 100% các địa phương, đơn vị đã triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm. Tại Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm thăm dò tín nhiệm, giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhằm đổi mới công tác bổ nhiệm cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhiều địa phương, đơn vị đã thực hiện việc bổ nhiệm một số cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi cạnh tranh, trình bày đề án hoặc giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm có số dư, được dư luận hoan nghênh. Việc đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch đã góp phần tạo bước đột phá trong việc phát hiện người có đức, có tài.

Chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài

Thực hiện nhiệm vụ cấp bách đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngày 5/6/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 24 về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, có tầm nhìn chiến lược cho cả trước mắt và lâu dài.

Theo đó, ngành tổ chức, xây dựng Đảng đã tham mưu duy trì tốt công tác quy hoạch cán bộ, đảm bảo sự liên thông, gắn kết giữa quy hoạch cấp trên và cấp dưới, quy hoạch ở Trung ương và địa phương. Các tỉnh ủy, thành ủy và các bộ, ban, ngành Trung ương đã xây dựng quy hoạch cán bộ diện Trung ương quản lý và cấp mình quản lý, đồng thời chỉ đạo cấp dưới tiến hành quy hoạch cán bộ theo phân cấp.

Các cấp ủy phát hiện các nhân tố mới đưa vào quy hoạch, giao nhiệm vụ để cán bộ trưởng thành rồi lại giao nhiệm vụ định hướng vào những vị trí cao hơn, tạo ra “dòng chảy” trong công tác cán bộ, chuẩn bị được nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, cho địa phương, các ngành và cơ sở. Công tác quy hoạch đã được các cấp ủy thực hiện đồng bộ ở 3 cấp, theo phương châm “mở” và “động”.

Mỗi chức danh quy hoạch 2-3 người, một người có thể quy hoạch vào một số chức danh. Trên cơ sở quy hoạch, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban, bộ, ngành Trung ương đã triển khai công tác đào tạo, bố trí, điều động luân chuyển cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận; từng bước thực hiện việc bổ nhiệm, chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa XI, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Trên cơ sở quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, căn cứ vào việc phát hiện, giới thiệu của các đồng chí Ủy viên Trung ương, việc thẩm định của các ban đảng, Trung ương đã thông qua Đề án Quy hoạch, phương hướng và nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm khắc phục nguy cơ hẫng hụt cán bộ cấp chiến lược đồng thời đáp ứng yêu cầu đảm bảo tính nhất quán, liên thông và đồng bộ về công tác cán bộ nói chung và công tác quy hoạch nói riêng. Công việc này đã được Đảng ta triển khai một cách đồng bộ, thực chất, dân chủ, công khai, minh bạch.

Tại Đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua, việc giới thiệu nhân sự cấp ủy đều từ nguồn quy hoạch đã phê duyệt, các đồng chí trúng cử đều là cán bộ trong diện quy hoạch của cấp ủy các cấp. Hầu hết các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khóa mới là các đồng chí đã được Quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược cán bộ

Nhận thức rõ tầm quan trọng và yêu cầu mới đối với công tác đào tạo cán bộ, Đảng ta đã rất chú trọng mở các lớp dự nguồn cao cấp, cả cán bộ quy hoạch cấp chiến lược ở Trung ương và cán bộ chủ chốt ở địa phương; lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và đào tạo bồi dưỡng theo chức danh đối với Bí thư cấp ủy cấp huyện.

Nội dung, phương pháp đào tạo được đổi mới theo hướng chủ động, gắn lý luận với thực tiễn, gắn thực tế trong nước với kinh nghiệm của nước ngoài, vừa củng cố về lý luận cơ bản, vừa bổ sung, cập nhật, bồi dưỡng kiến thức mới và rèn luyện kỹ năng, kỷ luật, đạo đức, tác phong của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Từ tháng 3/2013 đến tháng 7/2015, 6 lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp đã được tổ chức với 511 học viên tham dự. Các cán bộ tham dự lớp học này là nguồn được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp giới thiệu, đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các địa phương và các bộ, ban, ngành ở Trung ương nhiệm kỳ 2016-2020 và những năm tiếp theo, là những chức danh cán bộ quan trọng trong hệ thống chính trị.

Chương trình lớp dự nguồn cao cấp cung cấp cho các học viên những kiến thức cơ bản, bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn. Các học viên dự nguồn cao cấp đã đi thực tế địa phương, thực hiện “ba cùng” với các địa phương để nâng cao kỹ năng nắm bắt, hiểu biết và xử lý các vấn đề thực tiễn cụ thể, từ đó vận dụng sáng tạo vào công tác lãnh đạo, quản lý, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, những vấn đề đang đặt ra ở cơ sở; đồng thời được tiếp cận mô hình đào tạo hiện đại ở các quốc gia phát triển.

Các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp được đánh giá là những lớp kiểu mẫu trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện đạo đức cách mạng, góp phần chuẩn bị đội ngũ cán bộ cao cấp có phẩm chất và năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.

Đào tạo, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn


Công tác luân chuyển cán bộ được tiến hành thận trọng, chu đáo đảm bảo quy trình, chặt chẽ, khách quan. Nhiệm kỳ này, công tác luân chuyển được chuẩn bị khá sớm gắn chặt với công tác quy hoạch cán bộ, được xây dựng và lập kế hoạch cụ thể trên cơ sở đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, xác định rõ nhu cầu đào tạo cán bộ cả nơi đến và nơi đi; làm rõ mục đích luân chuyển và chức danh luân chuyển. Công tác luân chuyển cán bộ bắt buộc phải dựa trên công tác quy hoạch và gắn chặt với đào tạo dự nguồn, nhất là các đồng chí quy hoạch cấp chiến lược.

Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ diện Trung ương quản lý nhằm chuẩn bị nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tiến tới Đại hội XII của Đảng; thực hiện luân chuyển đối với 54 đồng chí cán bộ quy hoạch cấp chiến lược từ các cơ quan Trung ương về địa phương để đào tạo, rèn luyện.

Nhiều cán bộ qua luân chuyển đã có bước trưởng thành, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Tại Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố vừa qua, 6 đồng chí luân chuyển thuộc diện Trung ương quản lý đã được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, chức danh cao hơn chức danh trước khi luân chuyển.

Nhiều đồng chí đã được giới thiệu tham gia ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII với số phiếu cao. Công tác luân chuyển cán bộ đã góp phần đào tạo, rèn luyện và thử thách cán bộ qua thực tiễn, tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục một bước xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ.

Hương Thủy (TTXVN)