04:09 25/04/2011

Thực hiện Nghị định 78: Gần 2 triệu hộ thoát nghèo

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo.

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo. Đây là nỗ lực rất lớn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo.

Nguồn vốn đến bản làng

Qua 9 năm hoạt động theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay NHCSXH đã có mạng lưới hoạt động rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, với 63 chi nhánh cấp tỉnh và sở giao dịch; 612 phòng giao dịch cấp huyện, trên 8.500 điểm giao dịch cấp xã, hơn 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở khắp các thôn, bản, làng.

Các hộ nghèo xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Tính đến 31/3/2011, tổng nguồn vốn 97.818 tỷ đồng, gấp 13,5 lần so với khi nhận bàn giao. Từ khi thành lập đến nay, NHCSXH đã được Chính phủ giao thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình nhận ủy thác của nước ngoài với tổng dư nợ 92.402 tỷ đồng (khi nhận bàn giao năm 2003 chỉ có 3 chương trình cho vay là: Hộ nghèo, giải quyết việc làm và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (HS,SV), tăng 13,15 lần so với 7 năm hoạt động của Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Trong đó: Cho vay hộ nghèo là 36.125 tỷ đồng, chiếm 39% trên tổng dư nợ; cho vay giải quyết việc làm 4.608 tỷ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu lao động (XKLĐ) 796 tỷ đồng, chiếm 1% tổng dư nợ; cho vay HS,SV có hoàn cảnh khó khăn 29.036 tỷ đồng, chiếm 31% tổng dư nợ; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) 6.913 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ; cho vay mua nhà trả chậm khu vực đồng bằng sông Cửu Long 564 tỷ đồng, chiếm 1% tổng dư nợ; và 2 chương trình làm dịch vụ ủy thác cho nước ngoài: Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (dự án KFW) 201 tỷ đồng; cho vay trồng rừng (dự án WB) 282 tỷ đồng.

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đến với 100% số xã trong cả nước. Số khách hàng có quan hệ tín dụng với NHCSXH là hơn 10 triệu khách hàng. Dư nợ bình quân cho vay hộ nghèo tăng từ 2,5 triệu đồng/hộ (năm 2002) lên 8 triệu đồng/hộ vào thời điểm hiện nay.

Vốn tín dụng đã góp phần giúp gần 2 triệu hộ nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo, thu hút được hơn 2,1 triệu lao động có việc làm mới, 1,9 triệu HS,SV được vay vốn, xây dựng được trên 2,3 triệu công trình NS&VSMTNT; 74.000 căn nhà cho hộ vùng lũ ĐBSCL; 174.000 ngôi nhà cho hộ nghèo hưởng chính sách theo Quyết định 167; cải thiện đời sống của một bộ phận dân cư, đặc biệt là dân cư các vùng có điều kiện khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã hội hóa tín dụng chính sách

NHCSXH thực hiện cho vay đối với hộ nghèo theo phương thức ủy thác từng phần (6/9 công đoạn) qua các tổ chức chính trị - xã hội. Phương thức này làm cho việc quản lý vốn sát đối tượng, chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Đến nay, ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt 87.217 tỷ đồng, chiếm 97,6% tổng dư nợ của các chương trình NHCSXH đang quản lý. Trong đó: Hội Phụ nữ 36.653 tỷ đồng, Hội Nông dân 30.460 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 12.415 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên 7.687 tỷ đồng. Việc ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, vòng quay vốn nhanh hơn, tỷ lệ thu lãi cao hơn. Đồng thời, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội; thực hiện được cơ chế dân chủ, công khai từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận dễ dàng với dịch vụ tài chính tiền tệ, tín dụng ngân hàng, vốn đến đúng địa chỉ người thụ hưởng. Các tổ chức chính trị - xã hội thông qua nghiệp vụ cho vay vốn có thêm điều kiện tổ chức lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội có hiệu quả hơn; góp phần nâng cao nội dung sinh hoạt thêm phong phú.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế, tổ chức phi chính phủ trên thế giới như: UNICEF, OPEC, IFAD,WB, thu hút vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Kết quả về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hiện tại, NHCSXH đang phối hợp với các cấp, các ngành và các hội, đoàn thể, từng bước xã hội hóa hoạt động của NHCSXH, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2011 - 2015 của Chính phủ đề ra.

N.Tú