10:17 09/10/2020

Thực hiện kỹ thuật ECMO giúp tăng tỷ lệ bệnh nhân nặng được cứu sống

Nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo), Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh” như sốc tim, suy hô hấp cấp, viêm cơ tim, thuyên tắc ối…

Chú thích ảnh
Bệnh nhân 91 (43 tuổi, phi công người Anh) được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Đây là báo cáo của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 9/10.

Theo Phó Giáo sư Phạm Thị Ngọc Thảo, trong 10 năm triển khai kỹ thuật này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện chạy ECMO cho 349 bệnh nhân với tỷ lệ cai ECMO thành công là 71% và xuất viện 57%, cao hơn trung bình của thế giới 2%. Nhờ ECMO, 2/3 bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch được cứu sống, khả năng thành công cấp cứu nội viện cũng tăng lên đến 90% thay vì chỉ khoảng 70% như trước đây. Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên khu vực phía Nam được trang bị hệ thống ECMO và đang dần trở thành “niềm hy vọng mới” cho các bệnh nhân nặng.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, nhờ 43 ngày chạy ECMO mà bệnh nhân số 91 (phi công người Anh) đã vượt qua "cửa tử", hiện đã hồi phục, quay về với cuộc sống bình thường. Còn tại “tâm dịch” Đà Nẵng, 2 bệnh nhân số 472 và 582 dù có nhiều bệnh lý nền, phải thở máy thời gian dài tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng có thể hồi phục, xuất viện nhờ vào sự hỗ trợ can thiệp ECMO của Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Nếu như trước đây, ECMO được coi là biện pháp cứu vãn cuối cùng với hiệu quả không cao thì hiện nay, kỹ thuật ECMO đã được cải tiến hiện đại, giúp tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống ngày càng cao”, Phó Giáo sư Phạm Thị Ngọc Thảo khẳng định. Trên thế giới, ngày càng có nhiều trung tâm ECMO được hình thành. Bắt kịp tiến bộ này của y học thế giới, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã cử nhân lực đi đào tạo ở nước ngoài từ hơn 10 năm nay và hiện đã có đội ngũ thực hiện kỹ thuật ECMO hiện đại, đủ sức chuyển giao, đào tạo cho nhiều cơ sở y tế khác trong cả nước.

Ngoài báo cáo về kỹ thuật ECMO, Hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2020 còn nhiều báo cáo quan trọng khác liên quan đến tất cả lĩnh vực như: Ghép tạng, Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Lồng ngực - Mạch máu, Tai Mũi Họng, Gan Mật Tụy, Tiêu hóa, Thần kinh, Tiết niệu, Huyết học, Ung thư, Nội tiết, Chấn thương chỉnh hình, Cơ xương khớp… Nhiều ca lâm sàng đã được báo cáo được đánh giá là thiết thực với công tác chẩn đoán và điều trị như nhiễm trùng bàn chân do đái tháo đường nên bảo tồn hay đoạn chi, đột biến gen gây tăng động, nhiễm ấu trùng giun lươn lạc chỗ ở màng phổi, viêm gan tự miễn, nhiễm độc asen…

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với hơn 190 chủ đề ở tất cả các lĩnh vực,  Hội nghị khoa học thường niên tại Bệnh viện Chợ Rẫy được xem là ngày hội của khoa học. Sự kiện không chỉ cập nhật những thông tin, kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị mà còn đem đến cho các y bác sĩ nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Đinh Hằng (TTXVN)