05:12 06/05/2011

Thực hiện dự án đưa 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã nghèo: Sẽ góp phần giảm nghèo bền vững

Nhằm tăng cường nguồn nhân lực có trình độ để giúp cấp ủy, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trong cả nước quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP...

Nhằm tăng cường nguồn nhân lực có trình độ để giúp cấp ủy, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trong cả nước quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 26/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 170/QĐ-TTg phê duyệt dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm góp phần giúp các huyện nghèo, xã nghèo giảm nghèo bền vững.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Thời gian triển khai dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã nghèo từ nay đến tháng 6/2017, trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm để trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo phù hợp với nhu cầu bố trí cán bộ của các huyện nghèo.

Việc tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học, tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo sẽ tạo nguồn cán bộ trẻ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan của Đảng và Nhà nước, thông qua các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở xã thuộc huyện nghèo trong cả nước. Dự án này sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở.

Dự án sẽ được triển khai tại 600 xã trong tổng số 894 xã thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước. Theo đó, mỗi xã của huyện nghèo chưa có đủ hai Phó Chủ tịch sẽ được bổ sung thêm một Phó Chủ tịch UBND xã. Thanh niên tham gia dự án phải có độ tuổi dưới 30 và là đoàn viên thanh niên hoặc đảng viên có quốc tịch Việt Nam; có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu công việc, ưu tiên tuyển chọn người được đào tạo ở các chuyên ngành như kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nông lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, pháp luật và pháp lý.

Toàn cảnh hội nghị triển khai thực hiện dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã nghèo.


Anh Dương Văn An - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn cho biết, những đoàn viên thanh niên có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, có đơn tình nguyện đến làm việc tại các xã thuộc huyện nghèo theo phân công của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian ít nhất là 5 năm sẽ được xét. Trường hợp đội viên của dự án có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có những sáng kiến đổi mới trong quản lý và được cơ quan có thẩm quyền được bố trí, sử dụng vào các vị trí công việc khác theo nhu cầu của tổ chức thì thời gian làm việc trong dự án của những đội viên này cũng không được dưới 3 năm. Ưu tiên những thanh niên là người thuộc tỉnh có huyện nghèo, là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có hiểu biết về phong tục, tập quán địa phương; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; người có kinh nghiệm trong quản lý hành chính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du khẳng định: “Dự án đưa trí thức trẻ về huyện nghèo là dự án có tác động trực tiếp đến các huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay 2 huyện nghèo của tỉnh là Ba Bể và Pắc Nặm đã nghèo về kinh tế lại nghèo về cả con người. Chính vì vậy, đây là cơ hội để các huyện nghèo của Bắc Kạn có được cán bộ trẻ, giúp được địa phương xóa đói giảm nghèo bền vững”. Cũng theo ông Nguyễn Văn Du, từ năm 2004, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai trí thức trẻ từ tỉnh về xã. Nhờ có dự án này mà huyện Pắc Nậm đã giảm nghèo từ 67% xuống còn 20% theo tiêu chí cũ.

Ông Thái Hồng Thịnh - Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng khẳng định: Đây là việc làm cần thiết để tăng cường cán bộ cho các xã nghèo, huyện nghèo. Cán bộ trẻ và giỏi là một trong những yếu tố quyết định sự lãnh đạo và thực hiện thành công công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Hiện nay đội ngũ cán bộ ở Cao Bằng còn nhiều khó khăn, có 5/13 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo 60 - 70%.

Yêu cầu tuyển chọn chặt chẽ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng: “Mục đích của việc thực hiện dự án này là làm thế nào để góp phần tăng cường cán bộ về cho các xã nghèo để các xã xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vươn lên thoát nghèo. Thông qua đó để các cán bộ trẻ là đoàn viên thanh niên được tôi luyện từ cơ sở, trưởng thành nên”.

Mong muốn của Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là việc tuyển chọn cán bộ, đội viên trí thức trẻ phải hết sức chặt chẽ. Việc tuyển chọn này còn có sự vào cuộc của các tỉnh, nhằm giúp cho việc chọn lựa cán bộ đáp ứng được yêu cầu về trình độ, sức khỏe… Việc tuyển chọn phải đúng đối tượng, bởi cán bộ trẻ đã qua đào tạo sẽ đáp ứng được yêu cầu giúp các xã nghèo, huyện nghèo thoát nghèo. Nếu tuyển chọn không đúng sẽ mất tác dụng. Trí thức trẻ phải qua đào tạo, có sự nhiệt tình và chưa có gia đình riêng, hăng hái đóng góp cho xã hội. Song nếu chỉ có lòng nhiệt huyết nhưng lại ngại gian khổ, hạn chế về trình độ thì khi cán bộ trẻ đến vùng khó khăn sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Cố gắng làm sao chọn được cán bộ có năng khiếu quản lý. Tránh trường hợp “chính sách”, vì đây không phải là “chế độ hưởng thụ” mà thực sự chọn cán bộ đến vùng khó khăn, vất vả, lao tâm khổ tứ cùng lãnh đạo địa phương đưa vùng khó khăn vươn lên thoát nghèo nên phải chọn người có tâm. Cái chính là sự chỉ đạo của các tỉnh mà trực tiếp là Ban tổ chức Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm để tuyển chọn, có thẩm định và có sự rà soát chặt chẽ, coi trách nhiệm duyệt đội viên dự án và tạo điều kiện cho họ phấn đấu hoàn thành trách nhiệm của mình cũng là trách nhiệm của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định: Việc đưa trí thức trẻ về xã khó khăn không những tăng cường nguồn lực giúp cấp ủy, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đồng thời lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội giúp dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, dự án cũng tạo nguồn cán bộ trẻ để bổ sung vào các chức danh lãnh đạo quản lý cho các cơ quan Đảng và Nhà nước. Thông qua việc đưa trí thức trẻ xuống cơ sở để rèn luyện, thử thách, tập dượt, tạo cơ hội cho tuổi trẻ phấn đấu trưởng thành, từ đó đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, đồng thời hoàn thiện cơ chế tuyển chọn đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức trẻ.

Nguyễn Viết Tôn