05:10 25/05/2020

Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên - Bài 3: Giải bài toán giữ rừng

Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, số vụ vi phạm pháp luật và thiệt hại về rừng đã giảm, nhưng tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương.

Để giải bài toán giữ rừng, cần tìm ra những căn nguyên, từ đó mới có thể đề ra các biện pháp căn cơ, mang lại hiệu quả trong thực tế.   

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ phá rừng Pơ mu xảy ra vào tháng 4/2020 tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). 

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn: Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta dừng khai thác rừng tự nhiên, trong khi nhu cầu, thói quen về sử dụng gỗ rừng tự nhiên của một bộ phận dân cư chưa thay đổi, nguồn gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu có xu thế giảm; khai thác gỗ bất hợp pháp trở nên "siêu lợi nhuận". Bên cạnh đó, sức ép về phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là nhu cầu đất để trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp có giá trị kinh tế ngày càng cao.

Bên cạnh đó, tại những nơi xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật đều cho thấy, chủ rừng còn buông lỏng quản lý, các cơ quan chức năng, chính quyền sơ sở không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, việc xử lý người có hành vi vi phạm và người có trách nhiệm quản lý chưa nghiêm.

Để giải quyết căn cơ tình trạng này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, trước hết các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các quy định của pháp luật và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các cấp cần tạo chuyển biến trong việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp; quy định rõ xử lý trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra mất rừng.

Bên cạnh đó, cần tập trung xử lý dứt điểm các “điểm nóng”, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; truy quét các “đầu nậu”, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đề xuất xứ lý người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng; tập trung giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng…

Xử lý nghiêm các sai phạm

Chú thích ảnh
Một cây Pơ mu tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã bị lâm tặc cưa vào gốc cây để thăm dò gỗ có bị hư hay không. 

Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ lâm tặc tấn công rừng pơ mu tại địa bàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông Bùi Quốc Tuấn thừa nhận: Việc để mất rừng pơ mu trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng. Tuy nhiên, đặc thù cây Pơ mu phân bố ở địa hình núi cao, hiểm trở gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Để hạn chế việc khai thác trái phép cây pơ mu tại tiểu khu 1219, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như lực lượng Công an, Kiểm lâm và cả chính quyền các xã giáp ranh với rừng được giao cho Công ty quản lý, bảo vệ. 

Với vai trò quản lý, bảo vệ rừng, Công ty cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm những đầu nậu đứng sau mua bán, vận chuyển gỗ pơ mu trên địa bàn huyện. Nếu tạo được sự răn đe đối với các đối tượng phá rừng và kiểm soát, xử lý được các đầu nậu vận chuyển, mua bán gỗ pơ mu, sẽ giảm được áp lực phá rừng tại các tiểu khu có cây pơ mu phân bố.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông cho biết: Trước tình trạng phá rừng Pơ mu diễn ra phức tạp, Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông đã triển khai các biện pháp cấp bách, căn cơ để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, đặc biệt đối với các quần thể cây pơ mu tại tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông.

Trong đó, UBND huyện giao cho lực lượng Công an huyện Kông Bông đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng pơ mu trên địa bàn. Đặc biệt, lực lượng Công an chủ động thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm vi phạm lâm luật; xây dựng các phương án mật phục, các điểm chốt chặn trên địa bàn huyện để ngăn chặn, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Krông Bông phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án cụ thể để triển khai quản lý, bảo vệ hiệu quả rừng trên địa bàn. Đặc biệt, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật. 

Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông cũng đề nghị đơn vị chủ rừng khắc phục khó khăn về địa bàn, địa hình để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra trên lâm phần có các quần thể cây pơ mu phân bố; nâng cao hiệu quả kiểm soát tại các trạm, chốt chặn, đảm bảo đủ khả năng phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm lâm luật, đặc biệt trong công tác bảo vệ khu vực phân bố các cây gỗ giá trị kinh tế cao như pơ mu.

Ông Lê Văn Long cho biết thêm: Để giảm bớt áp lực trong việc người dân các xã như Yang Mao, Cư Đrăm, Cư Pui… sinh sống gần rừng xâm nhập, tham gia vào hành vi khai thác, vận chuyển gỗ pơ mu trái phép, Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông đã triển khai các giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, kêu gọi đầu tư… nhằm cải thiện đời sống kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân.

Làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân 

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm lâm luật và chính quyền các xã cần có biện pháp để tìm, xử lý những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi bao che, tiếp tay, thông tin cho lâm tặc phá rừng, buôn bán và vận chuyển gỗ, tránh tình trạng khi tổ chức tuần tra, truy quét thì không có lâm tặc phá rừng nhưng khi hết tuần tra, truy quét, lâm tặc lại xuất hiện.

Trước tính chất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp của các vụ tấn công rừng pơ mu diễn ra liên tiếp trong những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu đơn vị chủ rừng ngoài việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong các vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra trong thời gian vừa qua.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông có liên quan trong việc để xảy ra vụ khai thác 19 cây gỗ pơ mu hồi tháng 4 vừa qua và các vụ phá rừng, khai thác gỗ pơ mu trái pháp luật trên lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, nhưng chưa chủ động kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.

Thực trạng phá rừng nếu không được chặn đứng kịp thời, thế hệ sau chỉ biết được rừng pơ mu cổ thụ, quý hiếm trên dãy Chư Yang Sin hùng vĩ qua lời kể của các già làng. Để giữ được những quần thể pơ mu còn lại trên đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ không thể trông chờ vào sự thức tỉnh của lâm tặc, mà cần sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong cuộc chiến bảo tồn loài thực vật quý hiếm này.

Bài 4: Tháo gỡ vướng mắc, sử dụng đúng mục đích quỹ đất nông, lâm trường

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)