02:09 08/02/2023

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách BHXH, BHYT

Hướng tới mục tiêu “Bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động”, việc nâng cao diện bao phủ các loại bảo hiểm này luôn là mục tiêu hàng đầu. Theo ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong tháng đầu năm 2023 có nhiều tín hiệu tích cực.

Bao phủ bảo hiểm y tế tới 92,4% dân số

Chú thích ảnh
Nơi tiếp nhận hồ sơ thu Bảo hiểm xã hội. Ảnh (tư liệu): TTXVN

Tính đến hết tháng 1/2023, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong cả nước là trên 17,2 triệu người, tăng trên 640 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt trên 15,8 triệu người và tăng trên 643 nghìn người, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 1,4 triệu người, tăng 3.300 người so với cùng kỳ năm 2022. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 89 triệu người và đạt 92,4% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 27.392 tỷ đồng, tăng 469 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, để bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân dân, người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả. Toàn ngành đã chi trả hơn 51 nghìn tỷ đồng đến người nhận lương hưu tháng 1 và tháng 2/2023. Trong đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố đã phối hợp với Bưu điện các tỉnh chi trả trên 30 nghìn tỷ đồng tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của hai tháng 1 và 2/2023 trong cùng một đợt chi trả tháng 1/2023 cho gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng tiếp tục được đảm bảo. Đã có 793.982 người được giải quyết hưởng mới bảo hiểm xã hội và số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 45.445 người. Trong tháng 1/2023, có trên 14,15 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng khoảng 4,9 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những giải pháp góp phần tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã và sẽ tiếp tục được toàn ngành áp dụng, đó là tham mưu để chính quyền địa phương xây dựng, hoàn thiện các nghị quyết về giao chỉ tiêu phát triển người tham gia và giao chỉ tiêu cho Ban Chỉ đạo các cấp, đặc biệt là chỉ tiêu về bảo hiểm y tế. Đồng thời, tham mưu, huy động sự vào cuộc của các cấp, doanh nghiệp, xã hội có thêm các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho người khó khăn được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; linh hoạt các phương đóng để tạo thuận lợi cho người tham gia…

Thời gian qua, các hoạt động truyền thông, hội nghị khách hàng vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, các chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn… đã có sự lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều người biết và hiểu được lợi ích từ các chính sách an sinh này, từ đó, quyết định tham gia vừa là để phòng khi “trái gió, trở giời”, lúc ốm đau, bệnh tật, vừa có được khoản lương hưu để khi về già bớt phải phụ thuộc vào con cháu.

Trong Hội nghị giao ban cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới đây, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, với trách nhiệm đảm bảo an sinh, toàn ngành đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là kịp thời tổ chức Chương trình "Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn năm 2022", được nhân dân đón nhận, có tính lan tỏa sâu sắc.

Chú trọng quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Tại Chỉ thị 03/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023,  Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị ngay sau kỳ nghỉ Tết phải khẩn trương tập trung vào công việc, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo không khí phấn khởi và khí thế mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương triển khai nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của ngành để nghiêm túc triển khai, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc, qua đó đưa ra các kịch bản, chương trình kế hoạch để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.

Trong đó, các đơn vị chuyên môn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Nhanh chóng triển khai các khâu kỹ thuật để đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tối ưu hóa các dịch vụ công về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; truyền thông rộng rãi để người dân biết và sử dụng hiệu quả…

“Đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động, đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền của ngành và phối hợp, tham mưu tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý.

Ông cũng chỉ đạo các đơn vị nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, cải cách hành chính, tăng cường hơn nữa kỷ cương kỷ luật, phân công rõ người, rõ việc và gắn trách nhiệm người đứng đầu.

Chu Thanh Vân (TTXVN)