03:10 10/03/2011

Thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho HS,SV

Kể từ khi triển khai chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HS, SV) theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, đã có hơn 2 triệu HS, SV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường.

Kể từ khi triển khai chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HS, SV) theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, đã có hơn 2 triệu HS, SV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường.

Nước mắt chảy xuôi

Sáng chủ nhật, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đại diện của hơn 100 hộ dân đang tập trung về đây để giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trong đó chủ yếu là nhận tiền giải ngân theo chương trình tín dụng cho HS, SV. Hỏi chuyện bà Đào Thị Ca, ở thôn An Điềm A, chúng tôi được biết hoàn cảnh gia đình bà rất khó khăn.

Chồng bà Ca bị bệnh hiểm nghèo đã 11 năm, qua 3 lần mổ mà vẫn bị liệt toàn thân, hiện không có tiền đi mổ tiếp. Một mình bà Ca quần quật làm ruộng, chăn lợn, bán rau... để nuôi gia đình, lo cho 2 người con đang học tại Trường Cao đẳng Khách sạn và du lịch Hải Dương và Trường Cao đẳng Điện công nghiệp Hải Dương. Bà Ca nghẹn ngào kể: “Các cháu nhiều lần hỏi tôi: “Mẹ ơi, con có đi học được nữa không?”.

Tôi nói: “Các con cứ yên tâm ăn học thành người, mẹ sẽ lo”. Được biết, bà Ca hiện có dư nợ với NHCSXH 15 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo và 34,2 triệu đồng theo chương trình HS, SV. “Không có vốn vay ưu đãi của Nhà nước thì tôi cũng không biết ra sao” - bà Ca rơm rớm nước mắt nói.

Giải ngân vốn cho sinh viên vay ở điểm giao dịch xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.


Theo kế hoạch, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tạo lập nguồn vốn của chương trình tín dụng HS, SV đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho vay đến hết năm 2012, ổn định từ 46.000 - 50.000 tỷ đồng. Từ năm 2013, NHCSXH thu nợ để cho vay quay vòng đối với thế hệ HS, SV tiếp theo.

Cùng chung nỗi niềm của các bậc cha mẹ, bà Nguyễn Thị Huệ, ở khu 15, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương cho biết: “Hai vợ chồng làm lao động tự do, thu nhập bấp bênh nhưng vẫn phải xoay sở để mỗi tháng gửi cho 2 con đang học tại Hà Nội khoảng 2 triệu đồng. Trước đây nếu không có NHCSXH cho vay thì tôi phải vay ngoài với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày (tương ứng 9%/tháng, gấp gần 14 lần so với lãi suất của NHCSXH - PV)”.

Có thể khẳng định, sau hơn 3 năm triển khai, chương trình tín dụng HS, SV đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy, phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nên nhiều HS, SV là con em hộ nghèo, hộ trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính có nguy cơ bỏ học, được tiếp tục con đường học tập.

Bên cạnh đó, vốn vay cũng giúp các em HS, SV nâng cao hơn ý thức vươn lên. Em Vũ Thành Thái, SV năm thứ 3 Đại học Hải Phòng, quê ở Hải Dương, có hoàn cảnh bố bị ung thư vừa mất, một mình mẹ nuôi 2 anh em học đại học. Khi chúng tôi hỏi hai anh em có đi làm thêm ngoài giờ học để phụ giúp cho mẹ không, Thái cho biết: “Đôi khi có việc thì chúng em vẫn làm, nhưng em xác định học cho tốt để sau này trả nợ còn hơn làm thêm nhiều ảnh hưởng đến học tập”.

Cộng đồng chung tay

Trong nhiều lần trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH đã rất tâm đắc về một khía cạnh độc đáo của chương trình cho vay HS, SV. Đó là việc nguồn vốn được quay vòng giúp tăng thêm nhiều lượt HS, SV được vay vốn. Các em sau khi ra trường, có việc làm, có thu nhập trả nợ gốc và lãi, số tiền này lại trở thành nguồn vốn hỗ trợ cho thế hệ HS, SV kế tiếp.

Tại phiên giao dịch ở xã Cẩm Định, chúng tôi cũng gặp hai hộ dân mang tiền đến trả NHCSXH theo chương trình HS, SV. Đó là hộ bà Nguyễn Thị Liên và ông Vũ Tiến Lợi. Chúng tôi cứ ngỡ là các hộ đã thoát khỏi khó khăn, nên đến trả nợ trước hạn. Nhưng hóa ra không phải, căn nhà của cả hai hộ đều tuềnh toàng, có chỗ dột lấm tấm, tài sản chẳng có gì đáng kể. Bà Liên có con đã ra trường, nay thu xếp được tiền đem trả nốt 4,3 triệu đồng vay chương trình HS, SV. Còn ông Lợi mới bán được lứa ếch và ba ba nên cũng trả hết nợ, mặc dù sắp tới ông có đứa con út chuẩn bị đi học sẽ lại làm thủ tục vay sau.

Ông Vũ Văn Cải, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Định đánh giá: Với một xã nông nghiệp có diện tích canh tác bình quân 1 sào/người, nếu không có vốn vay ưu đãi thì nhiều gia đình sẽ rất khó cho con đi học. Chương trình cho vay HS, SV vì thế rất có ý nghĩa. Công tác tuyên truyền tốt nên các hộ vay đều có ý thức về việc Nhà nước hỗ trợ lúc khó khăn thì khi có điều kiện phải trả lại để hộ khác được vay. Toàn xã có 132 hộ vay với dư nợ 2,7 tỷ đồng mà không có trường hợp nào quá hạn, sử dụng sai mục đích.

Chia tay các gia đình vay vốn cho con đi học, chúng tôi nhận thấy, trong hoàn cảnh lam lũ vất vả, các bậc cha mẹ vẫn ánh lên sự tự hào và niềm tin vào tương lai tươi sáng của con em mình.

Ngọc Tú