05:17 09/05/2020

Thực hiện chi trả hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, đến nay 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỷ đồng, 45/63 tỉnh đã rà soát xong và bắt đầu từ ngày 9/5 sẽ hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng.

Chú thích ảnh
Phát tiền hỗ trợ cho người có công trên địa bàn quận Đống Đa theo gói 62.000 tỷ đồng.

Ước tính, số tiền chi cho nhóm đối tượng lao động tự do, lao động dừng hợp đồng vào khoảng 7.630 tỷ. Bên cạnh đó, đã có 47 tỉnh đã triển khai giải quyết việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp với 80.000 lao động với trên 300 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu về thu nhập có mức sống dưới mức tối thiểu với 62.000 tỷ, dự kiến hỗ trợ cho trên 20 triệu lượt đối tượng.

Trong 7 nhóm hỗ trợ, Chính phủ nhấn mạnh quan tâm nhóm lao động trong các doanh nghiệp bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không hưởng lương lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động tự do, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và việc lao động, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm hưu trí tử tuất.

Liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ xã phường, thôn bản khi triển khai, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh cho biết thêm: Chính quyền cấp xã là người hiểu sâu sắc nhất, rõ nhất và đồng thời phát huy được vai trò của người dân tại địa phương trong việc lập danh sách, cũng như việc kiểm tra các đối tượng có phù hợp với chính sách . Chính vì vậy, đối với gói an sinh xã hội này chính quyền địa phương cấp xã giữ vai trò hết sức quan trọng.

Khi danh sách được lập ra, Chủ tịch UBND tỉnh, thành chịu trách nhiệm chỉ đạo, rà soát, xem xét và phê duyệt. Danh sách được lập từ thôn, tổ dân phố được niêm yết công khai ở xã, phường. 

Đối với doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cũng phải chịu trách nhiệm trước danh sách lập ra để hỗ trợ các đối tượng. Các vấn đề đều được công khai, minh bạch từ các cấp để tránh việc lợi dụng, trục lợi từ chính sách này. Đồng thời đưa ra những chế tài xử lý nghiêm vi phạm đối với những người trục lợi chính sách này, dù đó là cán bộ, công chức, người dân hay doanh nghiệp"- Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

 

XC/Báo Tin tức