09:23 10/09/2020

Thúc đẩy vai trò AICHR với sự phát triển của Cộng đồng ASEAN

Ngày 10/9, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các Hội nghị liên quan, Phiên đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ngay sau Hội nghị, Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, Chủ tịch AICHR 2020, đã trao đổi với báo chí về kết quả Phiên đối thoại.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đại diện của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Vì mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau

Đề cập đến kết quả Phiên đối thoại, Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương cho biết, đại diện Việt Nam đã thông báo với các Bộ trưởng Ngoại giao về những kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh đến cách tiếp cận nhân quyền trong bối cảnh mới trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, các quyền cơ bản của con người mà người dân ASEAN cùng quan tâm.

Theo Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, AICHR- tổ chức liên Chính phủ đại diện cho ASEAN về nhân quyền, ngày càng mở rộng lĩnh vực hoạt động và đi vào chiều sâu, quan tâm đến quyền cơ bản của người dân, đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Đại sứ nhấn mạnh, AICHR có những cách tiếp cận cụ thể về quyền con người khác với phương Tây như: cách tiếp cận về giáo dục, phát triển bền vững, bảo trợ xã hội, những nhóm yếu thế. Sau 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN, hoạt động của AICHR đã bao phủ tất cả các lĩnh vực, trên cả 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-an ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-xã hội.

Trong phiên đối thoại lần này, đại diện AICHR cũng thông báo với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về nỗ lực của các nước thành viên về quyền được học tập, giáo dục, các vấn đề môi trường. Đây là những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Những lĩnh vực được AICHR đề cập thể hiện cách tiếp cận gần người dân để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là những đặc trưng của quyền con người trong ASEAN.

Văn kiện bản lề trong lĩnh vực quyền con người của ASEAN

Theo Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, việc tại AMM 53 các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua Kế hoạch Công tác AICHR 2021-2025 và Chương trình hoạt động ưu tiên của AICHR trong năm 2021 là một thành công của Phiên đối thoại.

“Hai văn kiện trên đã tạo bản lề cho hoạt động hợp tác nội khối ASEAN liên quan đến lĩnh vực quyền con người và hợp tác khu vực về vấn đề nhân quyền”, Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương nhấn mạnh.

Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương cho biết, năm nay là năm kết thúc Kế hoạch 5 năm 2016-2020 của AICHR; tuy nhiên, một số hoạt động chưa được triển khai do đại dịch COVID-19. AICHR và các nước thành viên ASEAN đang cố gắng triển khai một số hoạt động trực tuyến từ nay đến cuối năm 2020; một số hoạt động sẽ triển khai trong đầu năm 2021.

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, Chương trình ưu tiên năm 2021 sẽ nhấn mạnh vào 6 lĩnh vực, trong đó ưu tiên giám sát hoạt động của từng nước thành viên đối với lĩnh vực quyền con người; hoạt động liên quan đến những lĩnh vực mới chịu tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhấn mạnh hơn một số lĩnh vực của nhóm người yếu thế.

Đề cập đến Kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025 của AICHR, Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương cho biết, Kế hoạch có điểm mới là đưa ra được các chỉ số để đánh giá cụ thể hơn đối với lĩnh vực nhân quyền ASEAN. Đây là một trong những bước tiến trong hệ thống các văn bản hướng dẫn của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Tuyên bố Nhân quyền ASEAN, Quy chế hoạt động (TOR) của AICHR…

Kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025 của AICHR có điểm mới cần nhấn mạnh là các chỉ số để đánh giá cụ thể hơn liên quan tới lĩnh vực nhân quyền ASEAN. Đây là một trong những bước tiến dựa trên hệ thống các văn bản hướng dẫn của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Tuyên bố Nhân quyền ASEAN, Quy chế hoạt động (TOR) của AICHR…

Theo Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, quyền con người rất rộng và được chú trọng không chỉ ở ASEAN mà ở cả các khu vực khác trên thế giới. Thước đo đánh giá cao nhất với nhân quyền ở ASEAN hiện nay có lẽ chính là sự hài lòng của người dân, sự tham gia của người dân đối với từng dự án cụ thể. “Với các lĩnh vực cụ thể trong kế hoạch mới, với sự giám sát và hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN, chúng tôi sẽ triển khai trong 5 năm tới nhiều dự án và chắc chắn, người dân sẽ có những đánh giá trên từng dự án cụ thể”, Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương nói.

Việt Nam chủ động thúc đẩy hoạt động AICHR trong bối cảnh đại dịch

Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương cho biết, với tư cách là Chủ tịch AICHR 2020, Việt Nam đã cố gắng thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và hợp tác trong AICHR. Những nỗ lực này đã được các nước thành viên đánh giá cao. Gần đây nhất, vào tháng 5/2020, với sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên AICHR đã ra thông cáo báo chí chung liên quan đến vấn đề dịch COVID-19, thể hiện sự hợp tác và thống nhất trong ASEAN.

Theo Đại sứ, trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay, nếu so với những hoạt động của những diễn đàn khác thì AICHR là một trong những diễn đàn thành công. Các nước thành viên đã tích cực trao đổi với nhau, thống nhất sẽ tổ chức một số chuỗi hoạt động hình thức trực tuyến.

“Chúng tôi cũng trao đổi trực tuyến không chỉ trong nội bộ ASEAN, AICHR mà còn với cả đối tác ngoài khu vực. Các hoạt động trực tuyến vừa qua của AICHR cho thấy rõ ràng vai trò của Việt Nam trong việc đi đầu và khuyến khích các nước thành viên khác, bởi không phải lúc nào hoạt động trực tuyến cũng nhận được sự đồng ý tham dự của các nước”, Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương khẳng định.

Việt Đức (TTXVN)