06:16 12/06/2015

Thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Sáng 12/6, ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Bộ trưởng Nguyễn Quân tập trung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về: Các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó là trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm...

Khẩn trương hình thành các định chế trung gian trong thị trường công nghệ

Đề cập tới một trong những hạn chế tồn tại của nền khoa học nước nhà là chưa có thị trường khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân vì sao đến nay ta chưa có thị trường khoa học và đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm và giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Quân phân tích và nhìn nhận rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và cá nhân Bộ trưởng trong vấn đề này. Bộ trưởng cho biết: Thị trường khoa học là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường của Việt Nam. Sau năm 2000, nước ta mới bắt đầu xây dựng thị trường này. Năm 2004, Thủ tướng đã có quyết định về phát triển thị trường khoa học công nghệ và năm 2014 có quyết định về thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Thị trường khoa học công nghệ có 4 yếu tố. Thời gian trước, nước ta mới quan tâm hai yếu tố là cung và cầu công nghệ. Cung là các sản phẩm của các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, các tổ chức cá nhân. Cầu chính là các doanh nghiệp.

Trong 4 yếu tố đó, 2 yếu tố chưa được quan tâm thỏa đáng, đó là các định chế trung gian trong thị trường công nghệ và môi trường pháp lý của thị trường công nghệ. Những năm gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực xây dựng thể chế cho khoa học công nghệ.

Đến nay, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường công nghệ đã được hoàn thiện. Bộ trưởng nhìn nhận khâu yếu nhất hiện nay đó chính là xây dựng định chế trung gian trong thị trường công nghệ. Yếu kém này dẫn đến kết quả nghiên cứu không đến được với sản xuất và kinh doanh.

Làm rõ hơn về khâu yếu này, Bộ trưởng cho biết, hiện ta không có các định chế trung gian, các tổ chức làm dịch vụ trong thị trường khoa học công nghệ như các tổ chức môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra kiểm định…

Đây là nguyên nhân vì sao các nhà khoa học không tìm được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình. Các doanh nghiệp vẫn đi tìm nguồn công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.

Để giải quyết khâu yếu này, Bộ trưởng khẳng định cần đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian. Cụ thể hóa việc này, Bộ đã có những bước đi cụ thể, trong đó tập trung vào các sàn giao dịch công nghệ tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại đây, các doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau thông qua tổ chức trung gian là ban quản lý các sàn giao dịch công nghệ. Cùng với đó là việc tổ chức các chợ về thiết bị công nghệ quốc gia, khu vực và quốc tế; qua đó các nhà khoa học, doanh nghiệp đã ký được các hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết do khó khăn về ngân sách và biên chế, việc hình thành các tổ chức dịch vụ trung gian trong thị trường công nghệ công lập đang vướng mắc trong khi tư nhân thì chưa thực sự quan tâm vấn đề này.

Với quyết tâm giải quyết điểm nghẽn này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng ban hành quyết định mới về thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ và có chương trình quốc gia về phát triển thị trường công nghệ.

Đồng thời, với vai trò quản lý ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xúc tiến việc tìm kiếm các nguồn đầu tư để sớm thành lập các đơn vị, các định chế trung gian trong thị trường công nghệ, góp phần hỗ trợ nguồn cung và cầu.

Làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội: Liệu có phải do cơ chế phân bổ kinh phí làm chậm quá trình hình thành thị trường khoa học công nghệ hay không? Bộ trưởng nhìn nhận đây là một nguyên nhân quan trọng.

Hiện nay do còn khó khăn về ngân sách nhà nước, biên chế, nên rất khó để có được các tổ chức dịch vụ trung gian với số lượng đông đảo phục vụ cho thị trường công nghệ.

Tuy nhiên, với nhận thức đây là trách nhiệm của ngành cũng như là trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết sẽ tập trung cho khâu yếu nhất này để hoàn thiện 4 khâu của thị trường công nghệ, giúp thị trường công nghệ sớm vận hành hiệu quả.

Làm rõ thêm về thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Trước khi Luật Khoa học công nghệ năm 2000 được ban hành, Việt Nam còn chưa có khái niệm về thị trường khoa học công nghệ.

Hiện nay trong giới khoa học vẫn còn 2 trường phái là: Có thị trường khoa học công nghệ hay là chỉ có thị trường công nghệ mà không có thị trường khoa học. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, kiên trì thực hiện thị trường khoa học và công nghệ, cả những ý tưởng khoa học cũng có thể chuyển nhượng, đấu giá và chuyển giao để mang lại lợi ích kinh tế.

Thực tế, các kết quả nghiên cứu khoa học, ý tưởng nghiên cứu khoa học cũng tham gia được vào thị trường. Thông qua sàn giao dịch công nghệ, chợ giao dịch thiết bị công nghệ, các sự kiện kết nối cung – cầu… rất nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho doanh nghiệp và trở thành hàng hóa phục vụ xã hội.

Loại bỏ đề tài khoa học xếp ngăn kéo

Đánh giá hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học hiện còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng đề tài xếp ngăn kéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân bao giờ khắc phục được vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hằng năm có khoảng trên dưới 3 nghìn tỷ đồng dành cho hoạt động nghiên cứu này. Nói về đề tài xếp ngăn kéo, Bộ trưởng Nguyễn Quân phân ra làm 3 loại.

Loại 1 về nghiên cứu cơ bản chủ yếu là xếp ngăn kéo bởi tính chất của loại nghiên cứu này luôn đi trước thời đại, cần phải chờ đợi sự phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới ứng dụng được.

Loại 2 là những nghiên cứu ứng dụng. Đặc điểm của loại đề tài này là để ứng dụng được phải có điều kiện đầu tư. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trên thực tế, nhiều đề tài đã nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm.

Các nghiên cứu này muốn ứng dụng được cần sự đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, doanh doanh nghiệp nước ta phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều đề tài tốt vẫn phải chờ đợi. Bộ trưởng thừa nhận có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự, nghiên cứu xong nhưng không ứng dụng được.

Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ việc nghiên cứu đề tài không xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế, mà từ sở thích và mong muốn của các nhà khoa học.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc làm gì để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu rõ: Luật Khoa học và công nghệ đã có những nội dung quan trọng để khắc phục tình trạng này.

Luật quy định những nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước phải là nhiệm vụ theo đặt hàng, phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh và cuộc sống, không được xuất phát từ ý thích.

Nghị định 8 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ cũng đã quy định rõ về cơ chế đặt hàng. Các tổ chức, cá nhân có quyền đề xuất mong muốn của mình nhưng cơ quan quản lý phải căn cứ vào chiến lược phát triển và nhiệm vụ được giao xác định yêu cầu đó có đáp ứng không, sau đó mới đề xuất với các cơ quan.

Đồng thời, Nghị định quy định rõ các cơ quan đặt hàng phải cam kết khi tổ chức nghiên cứu thành công phải tiếp nhận và ứng dụng thực tiễn. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng chỉ khi nào thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Khoa học và Công nghệ, sẽ chấm dứt được tình trạng đề tài xếp ngăn kéo.

Làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu về phân bổ đề tài, kinh phí, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, kinh phí dành cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ có ba loại nhiệm vụ gồm: Nhiệm vụ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền giao cho trực tiếp quản lý; nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh giao cho các Bộ và tỉnh trực tiếp quản lý, ngoài ra có hệ thống nhiệm vụ cấp cơ sở.

Theo đó, việc phân bổ, giao kinh phí các đề tài dự án tuân thủ theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Khoa học và Công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề cập đến việc đề tài, dự án đưa vào ứng dụng chậm, Bộ có giải pháp nào đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Quỹ phát triển khoa học công nghệ chủ yếu phục vụ cho nghiên cứu cơ bản và phát huy tác dụng tốt trong 5 năm vừa qua, tốc độ công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng lên hơn 2 lần.

Việc chuyển giao kết quả ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, ngoài chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Chính phủ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng cũng là nguồn lực quý của Nhà nước hỗ trợ các đề tài, dự án sau khi nghiên cứu thành công, tìm được địa chỉ ứng dụng là doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư để sản xuất kinh doanh sản phẩm khoa học đó với sự hỗ trợ của nhà nước tối đa 30% tổng kinh phí dự án và 50% đối với dự án thực hiện ở vùng đặc biệt khó khăn và an ninh quốc phòng. Vấn đề là doanh nghiệp cần phải có đủ nguồn vốn đối ứng và kết hợp chặt chẽ với nhà khoa học là tác giả nghiên cứu.

Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ sử dụng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Chính phủ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cùng với một loạt chương trình quốc gia khác Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì. Các chương trình này đều có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Ứng dụng khoa học vào nông nghiệp


Giải đáp băn khoăn của đại biểu trước thực tế đất nước ta hiện ít có giống chất lượng cao trong nông nghiệp, chưa có sản phẩm quốc gia, đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu khâu đầu tiên của chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp đó là giống. Tuy nhiên trên thực tế, các giống lúa của Việt Nam chưa được sử dụng với quy mô lớn.

Nguyên nhân của việc này do doanh nghiệp chưa quan tâm thương mại hóa các giống lúa do các nhà khoa học tạo ra. Hơn nữa lại có sự cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng. Các nước khác có giống lúa lai giá rất rẻ, nông dân của ta sản xuất ở quy mô nhỏ, không đủ nguồn lực nên hay mua giống rẻ trôi nổi trên thị trước.

Theo Bộ trưởng, nếu ta tổ chức sản xuất lớn, chắc chắn sẽ lựa chọn được nhiều loại giống tốt của Việt Nam, bởi Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long là một địa chỉ uy tín về chọn tạo giống của Việt Nam.

Đề cập về sản phẩm quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Thủ tướng đã xác định có 9 sản phẩm quốc gia, trong đó có 3 sản phẩm về nông nghiệp là lúa gạo, cá da trơn và nấm ăn, nấm dược liệu.

Riêng lúa gạo, Bộ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được ủy quyền chủ trì chương trình quốc gia về sản phẩm quốc gia.

Qua 2 năm triển khai chương trình, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung vào chuỗi giá trị của hạt gạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò phê duyệt khung chương trình. Bộ trưởng Nguyễn Quân tin tưởng trong vài năm nữa, những sản phẩm quốc gia trong nông nghiệp sẽ có giá trị thương hiệu của mình.

Về việc lệ thuộc vào giống cây trồng, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm, với nguồn kinh phí hàng năm không lớn thông qua Quỹ gen, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho các bộ, ngành bảo tồn được quỹ gen của tất cả giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao của Việt Nam để phát triển giống phù hợp với điều kiện canh tác, song song với việc nhập khẩu và làm chủ giống của nước ngoài.

Bộ trưởng đánh giá: Việt Nam bảo tồn quỹ gen tốt nhưng phát triển chưa được tốt. Đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có phần trách nhiệm trong việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết. Hiện nay, giống Việt Nam làm tốt kể cả giống cây trồng vật nuôi, nhất là giống thủy sản với việc làm chủ được nhiều giống mới như cá tầm, cá hồi…

Tuy nhiên, sau vấn đề về giống, cần làm tốt việc nuôi trồng, bảo quản, chế biến để tạo ra giá trị cao, vì vậy cần đầu tư theo chuỗi. Theo Bộ trưởng, điều này ngân sách nhà nước không thể làm được mà phải trông cậy vào nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp.

Bộ trưởng nhìn nhận, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ là chưa tạo ra được cơ chế để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này, qua đó đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm cho xã hội.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia… để hỗ trợ cho những doanh nghiệp tiềm năng, những doanh nghiệp thực sự có năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ để họ đầu tư vào giai đoạn tiếp theo với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, nhằm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Ý kiến cử tri về phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Quân


Lâm Đồng là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong những năm qua tỉnh này đã đạt nhiều kết quả trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Nhiều cử tri ở Lâm Đồng rất quan tâm đến phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân về các vấn đề như phát triển thị trường công nghệ, chính sách thu hút nguồn nhân lực, sử dụng ngân sách của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng các công trình nghiên cứu vào thực tiễn…

Cử tri Nguyễn Như Chương (Trưởng phòng Công nghệ Vi sinh - Trung tâm Ứng dụng và Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) cho rằng: Bộ Khoa học và Công nghệ cần hiến kế nhiều hơn trong việc khắc phục những bất cập của quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Trên thực tế, khi Trung tâm chuyển giao những đề tài nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi cho nông dân, nhất là nông dân vùng nông thôn miền núi, đã gặp hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, do đó ảnh hưởng đến kết quả ứng dụng so với nghiên cứu ban đầu.

Cử tri Nguyễn Như Chương chia sẻ: Khi cán bộ chuyển giao khoa học công nghệ đến những vùng nông thôn miền núi, người dân rất nhiệt tình tiếp thu, nhưng chính những khó khăn đã trở thành rào cản khiến kết quả nghiên cứu chưa được như ý muốn.

Còn cử tri Nguyễn Bảo Vệ (Giảng viên Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ) cho rằng: Việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, tạo ra năng suất và sản lượng lương thực rất lớn cho đất nước.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún đã ảnh hưởng đến việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt Nam.

Việc cơ giới hóa sản xuất hay ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản nông sản đòi hỏi phải có quy mô sản xuất lớn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc đầu tư, chế biến, bảo quản, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.

Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ không thể ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ ở tầm cao hơn, làm cho hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh hàng hóa nông sản của chúng ta bị hạn chế.

Vì vậy, muốn ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân hoặc các doanh nghiệp phải mở rộng quy mô sản xuất hoặc liên doanh, liên kết với nhau để sản xuất với quy mô lớn hơn. Có như vậy mới nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.

Theo cử tri Nguyễn Hồng Sơn (Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long): Giải pháp thúc đẩy khoa học kỹ thuật và công nghệ ứng dụng vào sản xuất có 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là nội tại của công tác nghiên cứu cần phải thay đổi về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, cần tách ra 2 nhóm nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu cơ bản và nhóm nghiên cứu ứng dụng có thành phẩm.

Nhóm nghiên cứu ứng dụng ra thành phẩm nghiên cứu theo đơn đặt hàng được quản lý như hiện nay là đúng, nhưng nhóm nghiên cứu cơ bản như nghiên cứu về môi trường... cần có chính sách hỗ trợ toàn bộ kinh phí chứ không thể để cho các đơn vị tự chủ như hiện nay. Công tác quản lý khoa học và quản lý tài chính hiện nay cũng còn nhiều bất cập.

Chúng ta chưa có chính sách khuyến khích nên dẫn đến chảy máu chất xám. Giữa khoa học và thực tiễn ứng dụng vào sản xuất hiện vẫn còn bị hiểu nhầm vì các nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu chứ không phải các nhà nghiên cứu vừa nghiên cứu vừa làm chính sách.

Nếu quy hết trách nhiệm cho các cơ quan nghiên cứu vừa làm công tác nghiên cứu vừa làm công tác chuyển giao sẽ dẫn đến hiệu quả rất thấp. Chúng ta đã có những thay đổi nhưng hiện đơn đặt hàng cho các nhà nghiên cứu còn thiếu thực tiễn, các tiêu chí của đơn đặt hàng không rõ nên hiệu quả công tác nghiên cứu, chuyển giao vào sản xuất còn thấp.

Là một trong những người đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm trà Ôlong tại thành phố Đà Lạt, cử tri Hà Thúy Linh (Giám đốc công ty TNHH trà Hà Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Lâm Đồng) bày tỏ, đối với ngành sản xuất chè, việc đòi hỏi đầu tư thiết bị công nghệ kỹ thuật cao là điều rất cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay những dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại hầu hết đều do doanh nghiệp nhập từ nước ngoài với chi phí đắt đỏ do máy móc, thiết thị trong nước còn thiếu và yếu, không đồng bộ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp rất mong nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, ngành khoa học công nghệ để hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, cử tri Hà Thúy Linh nhấn mạnh.

Cử tri Mai Văn Thành, cán bộ hưu trí ngành nông nghiệp ở Quế Võ, Bắc Ninh, nêu ý kiến: Vấn đề khoa học và công nghệ thu hút sự quan tâm lớn của mọi tầng lớp nhân dân, có tác dụng làm đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Hiện nay, do quy mô sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp Bắc Ninh còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa được quy hoạch thành những vùng chuyên canh nên việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất, áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất mặc dù được chú trọng nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhà nước cần chú ý cơ chế khuyến khích các nhà khoa học sáng tạo những công trình có tầm ảnh hưởng lớn, tính ứng dụng cao trong xã hội.

Theo cử tri Phạm Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Intimex Hải Phòng, doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững, trước tiên phải xây dựng thương hiệu.

Thông qua việc đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ và kiểm chứng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của mình gắn với nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp khác sẽ góp phần tạo nên chuỗi thương hiệu Việt Nam, mang lại lợi ích bền vững cho doanh nghiệp...

Tuy nhiên, theo cử tri Phạm Thị Hồng: Để thương hiệu Việt lan tỏa ở thị trường trong nước, vươn xa trên thị trường quốc tế cần có những giải pháp hỗ trợ, sự định hướng của Chính phủ cùng những chính sách, hành lang pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp thực tiễn. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Việt Nam từng bước có lộ trình xây dựng và phát triển thương hiệu của mình.

Cử tri Nguyễn Văn Thanh (nguyên cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cho rằng, Nhà nước đã tập trung nhiều giải pháp hữu hiệu trong việc xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ở trong nước và thị trường quốc tế. Mới đây, chúng ta đã đưa được thương hiệu vải thiều xuất khẩu sang các thị trường như Nhật, Australia...

Để tiếp tục khẳng định thế mạnh của nền kinh tế hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, cùng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, nhà sản xuất, Nhà nước cần cơ cấu lại thị trường thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; loại bỏ các thủ tục không cần thiết, rườm rà; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ; hỗ trợ phân tích thị trường, từ đó hình thành các mô hình phân phối, bao tiêu sản phẩm...



Quỳnh Hoa - Thu Hà (TTXVN)