05:13 29/05/2020

Thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ địa phương

Ngày 29/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị trực tuyến "Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2020" nhằm quán triệt, phổ biến, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm 2020, chuẩn bị công tác xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ năm 2021 và kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị cũng nhằm thảo luận những giải pháp khoa học và công nghệ cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Tham dự hội nghị tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước có các ông: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; cùng giám đốc sở khoa học và công nghệ các địa phương và lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết: Năm 2019, ngành khoa học và công nghệ nói chung, hoạt động khoa học - công nghệ địa phương nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước diễn biến dịch COVID-19, để duy trì sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 và những năm tiếp theo thì vai trò của khoa học và công nghệ, vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng. Điểm mới trong hoạt động khoa học và công nghệ tại các địa phương trong năm gần đây là duy trì các hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin và liên kết hoạt động dựa trên lợi thế và đặc trưng của từng vùng; xu thế liên kết, nhất là liên kết trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên kết chia sẻ thông tin khoa học và công nghệ đang được hình thành và phát triển tốt, tạo ra cơ hội để các địa phương cùng chung tay giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ chung của vùng hoặc của một số địa phương trong vùng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng "hiến kế” để đưa khoa học và công nghệ đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ ra hai cơ hội tốt bứt phá nền kinh tế sau đại dịch đều gắn liền với vai trò của ngành khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự chủ động của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đề xuất những giải pháp đột xuất trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Thủy Trọng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ , cho rằng việc chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ trong tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương, vì vậy cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn đo lường chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm... để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu trên, cần thiết phải có nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ trên địa bàn; tập trung xác lập bảo hộ và khai thác tốt tài sản trí tuệ cho sản phẩm đặc hữu địa phương.

Là địa phương có nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ đứng đầu cả nước, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nhấn mạnh, sự phát triển thị trường công nghệ cũng như doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần tương xứng với tiềm năng của từng địa phương. Hiện tại hoạt động này còn thiếu gắn kết, dịch vụ khoa học và công nghệ còn yếu, doanh nghiệp chưa nhiệt tình tìm đến khoa học và công nghệ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tài sản trí tuệ của đa số doanh nghiệp chủ yếu mới dừng ở nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp, rất ít doanh nghiệp sở hữu giải pháp hữu ích hoặc sáng chế. Số doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài còn khiêm tốn....

Ông Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, cho biết, sở đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực sư trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm đến việc tập trung xúc tiến, tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo điều kiện cho Thanh Hóa được tham gia, triển khai các nhiệm vụ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia...

Sau khi nghe báo cáo, tham luận và ý kiến các địa phương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả hoạt động khoa học và công nghệ trong cả nước thời gian qua, đồng thời cảm ơn lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các địa phương. Nhờ sự quan tâm đó, nhiều địa phương đã đầu tư cho khoa học và công nghệ cao hơn mức trung ương giao. Bộ trưởng cũng đánh giá cao những báo cáo tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận và đề xuất của các địa phương tham dự hội nghị, đồng thời, ghi nhận và biểu dương các sở khoa học và công nghệ trong thời gian qua đã chủ động tham mưu cho các tỉnh, thành phố ban hành những chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ địa phương, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó thành công với dịch COVID-19, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhiều sản phẩm quốc gia đã được triển khai tốt ở các địa phương như: tôm, cá tra, lúa gạo… mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu các sở khoa học và công nghệ địa phương tiếp tục chủ động tham mưu lãnh đạo cho tỉnh, thành phố triển khai tốt các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn, bám sát bối cảnh hiện tại và yêu cầu của các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thực hiện quyết liệt các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp.

Thu Hà (TTXVN)