10:15 21/10/2019

Thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Sáng 21/10, tại Diễn đàn Hợp tác vì chuỗi cung ứng phát triển bền vững châu Á, các chuyên gia cho rằng, vấn đề khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là một phần trong chiến lược nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng

Chú thích ảnh
 Ông Bartosz Cieleszynski, chuyên gia kinh tế thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. 

Diễn đàn do Amfori (Hiệp hội Thương mại nước ngoài) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng một số đơn vị khác tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Diễn đàn thu hút khoảng 100 đại biểu đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, với chủ đề tập trung vào những cơ hội và chuỗi cung ứng bền vững trong khu vực châu Á của các quốc gia.

Theo ông Christian Ewert, Chủ tịch Amfori, xác định cơ hội phát triển bền vững, cùng giải quyết những vấn đề chung trong thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp các quốc gia phát triển bền vững. Trong bối cảnh sự trỗi dậy của châu Á, sản phẩm được tìm kiếm tại Việt Nam là dệt may, da giày, hàng tiêu dùng nhanh… 

Mặc dù vậy, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành nhà cung cấp cho thị trường thương mại tự do, doanh nghiệp phải ưu tiên yếu tố phát triển bền vững trong nguồn cung hàng hóa, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, không chỉ nhiều tổ chức, cơ quan quản lý ở hầu hết quốc gia đang nỗ lực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, mà người tiêu dùng rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, sản phẩm xanh. 

Dẫn chứng cụ thể, ông Christian Ewert cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đòi hỏi doanh nghiệp trở thành bộ phận tiên phong trong phát triển bền vững, chú trọng yếu tố môi trường. Do đó, cần sự quyết tâm của nhiều quốc gia để tìm ra giải pháp chung trong phát triển bền vững, nhất là những vấn đề như biến đổi khí hậu, môi trường, chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc chiến thương mại… 

Đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng đến “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu và nhiều quốc gia; trong đó, những chính sách thương mại của hai nền kinh tế lớn trên thế giới đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn toàn cầu và các nước phải tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh để phù hợp với diễn biến mới của thị trường. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh diễn đàn.

Song song đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đang đặt ra hàng loạt thách thức cho doanh nghiệp, gồm: nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, rào cản thương mại, phòng vệ thương mại… Riêng đối với vấn đề phát triển bền vững đang thúc đẩy doanh nghiệp hình thành chuỗi cung sản phẩm, dịch vụ xanh và chuyển đổi thói quen tiêu dùng.

Phân tích cụ thể, ông Võ Tân Thành, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sản xuất thương mại và đầu tư quốc tế ngày càng được tổ chức chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ cho Liên minh châu Âu và Mỹ được đặt tại những quốc gia châu Á, nhưng số lượng doanh nghiệp nội địa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn rất hạn chế. 

Điều này cho thấy, Việt Nam không thể nằm ngoài vấn đề phát triển bền vững; đồng thời, doanh nghiệp cần xác định đây là một trong những công cụ hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới. Đặc biệt, khi Việt Nam đã hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế quốc tế, mang đến những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cải thiện tư duy sản xuất kinh doanh

Thống kê của Bộ Công Thương, phần lớn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên kết với nhà cung cấp nước ngoài, còn đa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho đối tác trong nước và chỉ có 15% bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho đối tác nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, có 8,4% xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua bán hàng cho doanh nghiệp mua hàng bên thứ 3.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, một số chuyên gia chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn áp dụng kỹ thuật lạc hậu nên nâng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, thiếu ý thức tuân thủ tiêu chuẩn về phát triển bền vững; đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động hoặc không đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nên còn quan ngại việc tham gia mạnh dạn vào thị trường thương mại tự do, cũng như khai thác được lợi ích của những Hiệp định thương mại tự do.

Đánh giá về phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, ông Tuyên Nguyễn, chuyên gia Công ty Tài chính quốc tế IFC – thành viên Ngân hàng Thế giới cho hay, bên cạnh những tồn tại trên, so với trước đây thì hiện tại doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những yêu cầu về phát triển bền vững. Đơn cử, nếu trước đây những doanh nghiệp da giày Việt Nam gặp vấn đề về nguồn lao động, nhưng hiện nay họ đã hướng đến những tiêu chuẩn quốc tế. Hay về vấn đề sử dụng năng lượng, doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực đã áp dụng năng lượng mặt thời, tiết kiệm nước, tái sử dụng nước thải… 

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển dịch tư duy trong sản xuất kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững. Doanh nghiệp nội địa cũng cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua sự thúc đẩy từ những hợp tác với đối tác toàn cầu khi từng bước đáp ứng nhu cầu tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia; trong đó, cả doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Việt Nam và đơn vị mua hàng quốc tế đều nỗ lực đảm bảo yếu tố phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Còn bà Lê Thanh Thảo, đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) cho biết, phát triển bền vững là một trong những nền tảng để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế. Mục tiêu phát triển bền vững phục vụ cho phát triển kinh tế; đồng thời, thúc đẩy nhiều mục tiêu xã hội. Các quốc gia không thể thúc đẩy phát triển bền vững một cách độc lập, mà cần liên kết và hỗ trợ lẫn nhau như về cơ chế chính sách, kêu gọi hài hòa thống nhất tiêu chuẩn trên toàn cầu…

“Để hỗ trợ cho từng quốc gia, doanh nghiệp địa phương, cần sự vào cuộc của nhiều tổ chức toàn cầu trong đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn… Từ đó, mỗi quốc gia và doanh nghiệp xây dựng được năng lực cạnh tranh trên thị trường thương mại tự do, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy ngành công nghiệp xanh”, bà Lê Thanh Thảo cho biết thêm.

Theo một số chuyên gia, vấn đề khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là một phần trong chiến lược nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.

Tin, ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)