06:12 06/06/2021

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục - Bài cuối: Xây dựng hệ sinh thái giáo dục số

Để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục hiệu quả, yếu tố con người cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ có vai trò quyết định.

Chú thích ảnh
Sinh viên học nghề tại trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Từ điều kiện thực tế, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đề án nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó, chú trọng cả về chuyển đổi nhận thức đến nâng cao năng lực đội ngũ; hoàn thiện hạ tầng công nghệ, thiết bị, hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số.

Từ chuyển đổi nhận thức...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ly, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện về làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi nhận thức, đào tạo kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đóng vai trò đặc biệt quan trọng quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công cần triển khai các giải pháp để nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia và của mỗi địa phương.

Chuyển đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là nhiệm vụ hàng đầu mà ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tập trung thực hiện.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng, điều kiện quan trọng nhất để thực hiện thành công chuyển đối số, xây dựng giáo dục thông minh là yếu tố con người - đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ngành. Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý cần nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ thông tin và truyền thông để mạnh dạn ứng dụng trong công tác quản lý, dạy học. Từ đó, chủ động học tập, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ phục vụ hiệu quả cho công tác.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đơn vị, cơ sở giáo dục, nhất là người đứng đầu cũng như các doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục. Ngành thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và thử nghiệm các công nghệ số trong giáo dục, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển các sản phẩm ứng dụng, nền tảng giáo dục số.

Cùng với chú trọng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên, cán bộ quản lý thông qua các khóa đào tạo, tập huấn thường xuyên, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, ngành ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong hoạt động quản lý, dạy - học trong nhà trường.

Với việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng giáo dục thông minh, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố hướng tới mục tiêu đa dạng các hình thức, giải pháp tiếp cận nhu cầu “cần gì học nấy”, học mọi lúc, mọi nơi của người học, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục bảo đảm mọi công dân đều được học tập suốt đời, hướng đến xây dựng xã hội học tập.

... đến hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số

Để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, 3 nhiệm vụ cơ bản ngành cần phải thực hiện. Đó là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung làm nền tảng xây dựng các phần mềm, công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng môi trường học tập thông minh trên nền tảng số; qua các tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh tiếp cận, làm quen và làm chủ công nghệ số.

Trong kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, ngành xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của thành phố.

Chương trình hướng đến mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục số đảm bảo kết nối với hệ thống đô thị thông mình của thành phố. Trong đó, thành phố tập trung hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành, số hóa các dữ liệu chuyên ngành, liên thông, tích hợp với kho dữ liệu dùng chung của thành phố nhằm phục vụ công tác quản lý và khai thác, chia sẻ dữ liệu ngành; xây dựng cổng thư viện số gồm giáo trình, bài giảng, học liệu số và hệ thống dạy - học trực tuyến cho các trường...

Đến năm 2025, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet; 100% học sinh, sinh viên thành phố được tiếp cận internet và kho học liệu trực tuyến (giáo trình, bài giảng, học liệu số), hệ thống dạy - học trực tuyến dành cho các trường phổ thông trên địa bàn.

Song song đó, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, kết hợp học trên lớp và học trực tuyến), kiểm tra - đánh giá; tập trung chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, xây dựng nền quản trị giáo dục thông minh góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo hướng tới việc cung cấp dữ liệu mở cũng như kết nối đến cổng dữ liệu mở của thành phố, đảm bảo tính linh hoạt, thích ứng cao. Thành phố tập trung xây dựng nền tảng số, chia sẻ dữ liệu dùng chung, gồm các thành phần chính: Hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục tập trung; hệ thống quản lý định danh và xác thực người dùng tập trung tiến tới phục vụ dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; kết nối thanh toán điện tử; kết nối dịch vụ bưu chính để chuyển phát hồ sơ; cung cấp thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính; tích hợp, cung cấp dữ liệu giáo dục và liên thông các hệ thống thông tin.

Thu Hoài (TTXVN)