02:11 04/02/2017

Thừa Thiên - Huế tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng

Năm 2017, tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu thu hút 20 dự án đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp, với tổng nguồn vốn đăng ký đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quê, Phó Ban quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để đạt mục tiêu trên, đơn vị đang xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm; trong đó chú trọng xúc tiến với các tập đoàn, nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp có uy tín, năng lực và tiềm lực về tài chính.

Hiện Ban quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tiếp tục làm việc với các Tập đoàn FLC, Vingroup, Bitexco, Viglacera; đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài như Jica, Koica, Jetro để tiến hành quảng bá, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Khu du lịch Laguna Lăng Cô. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Đối với các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang được tỉnh tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai và giải ngân vốn đầu tư của các dự án, điển hình như: Khu phức hợp Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, bến số 3 - Cảng Chân Mây, hạ tầng khu công nghiệp của Tổng công ty Viglacera, dự án khu du lịch sinh thái đầm Lập An của Tập đoàn Bitexco và hạ tầng khu công nghiệp - khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây.

Đề cập đến môi trường đầu tư, Chủ tịch UND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, năm 2017 được tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định là "Năm doanh nghiệp, kỷ cương, kỷ luật hành chính" nhằm thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư như: tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội; trong đó, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; tập trung khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển.

Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên - Huế củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề tạo hợp lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện chương trình trọng điểm phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp trong năm 2017, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng toàn tỉnh; nâng cao năng lực phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Một mặt, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tích cực đổi mới và cơ cấu lại hệ thống dạy nghề, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động; vừa đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, 50% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên; 100% thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; đảm bảo mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt trên 80%.

Năm 2016, các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh thu hút 14 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 4.900 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh có tổng cộng 140 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 63.700 tỷ đồng. Trong đó, có 36 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt gần 31.200 tỷ đồng.
Quốc Việt (TTXVN)