08:16 02/08/2020

Thừa Thiên - Huế tăng cường các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội

Ngày 2/8, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Công điện khẩn số 7 về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho người dân. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định việc phát hiện và cách ly các đối tượng có nguy cơ là ưu tiên hàng đầu, thường xuyên, liên tục; đồng thời yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế theo quy định.

Các khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện không tổ chức tiệc cưới, liên hoan, tiệc mừng… bắt đầu từ ngày 3/8/2020.

Các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán nước, khu tập luyện thể thao… phải thực hiện giãn cách xã hội: mỗi bàn tối đa không quá 4 người, bàn cách bàn tối thiểu 2m, bố trí nước rửa tay sát khuẩn đầy đủ.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, khu di tích, danh lam thắng cảnh phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và giãn cách khi tiếp xúc.

Những nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động; chủ động phương án cách ly khi có tình huống nghi ngờ dịch bệnh hoặc có dấu hiệu dịch tễ.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Huế và các cơ sở y tế tổ chức phân luồng, phân tuyến, xét nghiệm, điều trị hợp lý ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở y tế, bảo đảm an toàn đối với cán bộ y tế, người tham gia phòng, chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, các đối tượng yếu thế.

Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu tất cả các phương tiện vận tải hàng hóa đến, trở về Thừa Thiên - Huế từ thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đều phải đăng ký trước, đổi lái xe tại chốt kiểm soát ở huyện Phú Lộc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh có điều kiện cách ly lái xe đến từ vùng có dịch phải đăng ký trước qua mạng và đảm bảo điều kiện phòng chống dịch sẽ được chấp thuận cho phép đưa xe đến nơi giao nhận hàng.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có phương án giãn cách làm việc phù hợp, bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; tăng cường giải quyết hồ sơ trên mạng và họp trực tuyến để hạn chế tập trung đông người; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết hoặc trên 20 người; đảm bảo không để đình trệ công việc.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã yêu cầu các cơ sở tạm ngừng kinh doanh karaoke, vũ trường, massage, quán bar, rạp chiếu phim, quán game, trò chơi điện tử; bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và ở nơi đông người.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến sáng 2/8, có trên 14.800 người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được lấy mẫu xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, trong đó gần 10.000 trường hợp có kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả.

Cần Thơ chủ động phòng chống dịch phù hợp tình hình mới

Chú thích ảnh
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Sáng 2/8, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Trần Quốc Trung đề nghị toàn thể Ban chỉ đạo cùng các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn một lần nữa nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; tuyệt đối không lơ là, chủ quan để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Lực lượng chức năng cần chủ động nắm bắt thông tin trong lĩnh vực công tác, địa bàn quản lý để phản ứng kịp thời với tình hình dịch diễn biến nhanh và khó lường. Bên cạnh đó, cần nhận định rõ phải thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nhưng không được mất bình tĩnh và không làm các sự việc nghiêm trọng hơn mức cần thiết.

Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Lê Quang Mạnh yêu cầu tất cả các cơ quan sở, ban, ngành và chính quyền quận, huyện trên địa bàn rà soát, cập nhật và có các kế hoạch hoạt động trong tình hình dịch mới.

Sở Y tế cần khẩn trương rà soát lại thiết bị thiết bị y tế tồn kho phục vụ cho việc xét nghiệm trên diện rộng, nếu thiếu cần mua bổ sung đề phòng trường hợp tình hình dịch diễn biến xấu hơn; Sở Giáo dục và Đào tạo cần triển khai tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia 2020 đảm bảo phòng chống dịch tốt nhất; Sở Lao động - Thương binh, Xã hội tăng cường biện pháp quản lý người lao động, người nước ngoài làm việc trên địa bàn thành phố, giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo đủ các biện pháp phòng chống dịch; Sở Công Thương đảm bảo việc cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên thị trường và có biện pháp kiểm soát tình trạng tích trữ hàng hóa; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa ra kế hoạch hủy bỏ các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí trên địa bàn sao cho phù hợp.

Đối với các quận, huyện cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo thành phố, rà soát lại địa bàn, thực hiện tiếp tục công tác phòng chống dịch theo khẩu hiệu “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Cao Minh Chu chia sẻ: tại Cần Thơ, số trường hợp đang theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú là 1083 (trong đó 1.074 trường hợp có đi qua Đà Nẵng, Quảng Nam từ ngày 5/7 đến nay). Tính đến ngày 1/8, có 1.795 người nước ngoài đang tạm trú trên địa bàn thành phố, thông qua công tác kiểm tra, rà soát phát hiện 3 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, hiện đã đưa đi cách ly tập trung và xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ngành Y tế cũng phối hợp với Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh khẩu trang trên địa bàn. Qua kiểm tra tại Ninh Kiều và Thốt Nốt phát hiện 145 nghìn khẩu trang y tế không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hiện chưa phát hiện tình trạng tăng giá khẩu trang đột biến.

Đỗ Trưởng - Trung Kiên (TTXVN)