10:15 29/10/2020

Thừa Thiên - Huế: Nhiều nhà bị tốc mái, hàng ngàn ha rừng keo, cao su bị gãy đổ

Sáng 29/10, trong chuyến kiểm tra tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra trên địa bàn tại huyện miền núi Nam Đông, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu yêu cầu chính quyền các cấp tại huyện Nam Đông cần tập trung mọi lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra.

Chú thích ảnh
Bão số 9 gây mưa và gió lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến 11 giờ 30 ngày 29/10, bão số 9 đã khiến 14 người bị thương, hơn 1.250 ngôi nhà bị tốc mái. Hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông bị thiệt hại nặng nề nhất.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nam Đông, địa bàn huyện có 5 nhà bị sập, hơn 400 nhà bị tốc mái, 5 trường học và trụ sở cơ quan bị hư hại. Hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng sạt lở đất dọc bờ sông, suối hơn 3,6 km, gần 3 ha đất trồng lúa bị đất, đá vùi lấp.

Bão số 9 đã khiến 2.500 ha rừng keo, 1.500 ha rừng cao su đang trong thời kỳ khai thác bị gãy đổ. Ngoài ra, hàng chục ha cây hàng năm, cây ăn quả ở huyện bị hư hại do bão. 740 con gia cầm bị chết do ngập lụt và hơn 30 ha ao cá bị nước cuốn trôi.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu yêu cầu chính quyền các cấp tại huyện Nam Đông cần tập trung tiến hành khảo sát tình hình địa chất tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn huyện, để có giải pháp xử lý, không để xảy ra tình trạng sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của người dân. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục thống kê thiệt hại để có hướng hỗ trợ cho người dân kịp thời, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp người dân sớm ổn định đời sống. Đối với thiệt hại về rừng trồng cao su, keo, tràm, huyện cần có giải pháp xử lý cây cao su bị gãy đổ; về lâu dài cần tính toán việc trồng cây gì để thích ứng với thiên tai trên địa bàn huyện Nam Đông.

Do ảnh hưởng của bão số 9, triều cường, sóng lớn làm cho bờ biển Thừa Thiên - Huế tiếp tục bị xói lở nặng nề với chiều dài hơn 14 km tập trung ở các đoạn xung yếu thuộc huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Đáng chú ý, đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc tiếp tục bị xói lở dài hơn 4 km sâu vào 7 - 10 m làm hư hại tỉnh lộ 21 và một số nhà cửa, mất rừng phòng hộ, bờ biển bị xói lở, xâm thực.

Mưa lớn khu vực thượng nguồn, vận hành điều tiết các hồ chứa nước, sóng cao, nước dâng do bão số 9, một số xã vùng hạ du  cáchuyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà tiếp tục bị ngập mức ngập từ 0,3 - 0,5 m.

Để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phân bổ 1.000 tấn gạo và 4 tấn lương khô từ dự trữ quốc gia cho người dân. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thành phân bổ cho các cơ quan, đơn vị địa phương 10,5 tấn lương khô; 250 tấm bạt nhựa; 50 máy lọc nước; 500 bộ dụng cụ sửa nhà và 650 bộ dụng cụ làm bếp; 28 nhà bạt các loại, 3000 phao áo, 1000 phao tròn, 30 phao bè… để hỗ trợ cho bà con vùng lũ.

Tường Vi (TTXVN)