11:10 05/11/2017

Thừa Thiên - Huế mưa to, nước sông Hương lên nhanh sắp vượt báo động 3

Tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa rất to trên diện rộng; lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 3/11 đến 4 giờ ngày 5/11 ở vùng núi phổ biến từ 500-600mm; có nơi như Khe Tre và Bạch Mã (huyện Nam Đông) lần lượt là 626mm và 13497mm; vùng đồng bằng phổ biến 150-200mm.

Lũ trên các sông lên nhanh; sông Hương và sông Bồ có khả năng vượt báo động 3 vào trưa 5/11. Hiện tại, sông Hương tại Kim Long đang ở mức 2,62m; trên báo động 2 là 0,62m; sông Bồ tại Phú Ốc là 1,93m, xấp xỉ báo động 2. Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh cánh báo mưa lớn trên diện rộng còn tiếp tục kéo dài đến hết ngày 7/11.

Lũ trên các sông lên nhanh; sông Hương và sông Bồ có khả năng vượt báo động 3 vào trưa 5/11. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Trước hiện tượng thời tiết diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế phát lệnh vận hành, điều tiết các hồ chứa nước được phép xả lũ về hạ du với lưu lượng tăng dần, tránh gây đột biến và ngập lụt cho vùng hạ du. Đến 7 giờ sáng ngày 5/11, mực nước dâng hồ Tả Trạch đạt 41,1m; lưu lượng nước về hồ 3.430m3/s; lưu lượng xả về hạ du 540m3/s. Thủy điện Hương Điền mực nước dâng hồ đạt 54,88m; lưu lượng nước về hồ 5.128m3/s; lưu lượng xả về hạ du 500m3/s.

Thủy điện Bình Điền mực nước dâng hồ đạt 84,15m; lưu lượng nước về hồ 5.100m3/s; lưu lượng xả về hạ du 4.000m3/s. Thủy điện A Lưới mực nước dâng hồ đạt 552,5m; lưu lượng nước về hồ 1.553m3/s; lưu lượng xả về hạ du 1.557m3/s. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của triều cường nên mặc dù đập Thảo Long (cuối nguồn sông Hương) mở hết 15/15 cửa; đập Cửa Lác (hạ nguồn sông Bồ) mở hết 70/70 cửa, nhưng nước vẫn thoát chậm. Đây là nguyên nhân làm cho nước các con sông lên nhanh.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấm biển đối với tất cả phương tiện tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu; cấm các phương tiện khai thác cát trên sông cho đến khi có lệnh mới. Đáng chú ý, chiều 4/11, tàu Chiến Công 07 neo đậu tại cảng Chân Mây bị đứt neo, tấp vào bến số 2 của cảng; nhưng đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng cứu hộ an toàn.

Để chủ động ứng phó với bão số 12 và mưa lớn kéo dài, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các tổ chức, đơn vị trực ban 24/24 giờ, duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; chủ động chuẩn bị ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.

UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 12, tình hình mưa lũ và kế hoạch vận hành liên hồ chứa của các hồ thủy lợi, thủy điện; thông báo kịp thời thông tin mưa lũ đến người dân sinh sống hoặc có các hoạt động trên sông, ven sông để chủ động phòng, chống.

Các địa phương, đơn vị tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức dự trữ lương thực, vật tư, nhiên liệu theo phương châm "4 tại chỗ": bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn. Đối với các công trình đang thi công dở dang cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và công trình, đặc biệt đối với dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế.

Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở như Quốc lộ 49, Quốc lộ 1A, đường tránh Huế, đường La Sơn - Nam Đông, đường Hồ Chí Minh…để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường thủy, tuyến đường sắt Bắc-Nam.

Tin, ảnh: Quốc Việt (TTXVN)