01:14 15/01/2015

Thủ tướng Ukraine và ‘cú nã súng lục’ tai tiếng ở Berlin

Xuất hiện trên kênh truyền hình Đức ARD TV hôm 8/1 vừa qua, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk được cho là đã có phát biểu gây tranh cãi khi ông cắt nghĩa việc hồng quân Liên Xô từ Ukraine tiến sang Thủ đô Berlin là hành động “xâm lược Ukraine và Đức”.

Xuất hiện trên kênh truyền hình Đức ARD TV hôm 8/1 vừa qua, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk được cho đã có phát biểu gây tranh cãi khi ông cắt nghĩa việc hồng quân Liên Xô từ Ukraine tiến sang Thủ đô Berlin là hành động “xâm lược Ukraine và Đức”.

Cũng xin lưu ý đây là thông tin được truyền thông phương Tây loan báo đầu tiên và được trích dẫn lại sau đó. Theo đó, ông Yatsenyuk có bình luận là: “Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là hành động tấn công vào trật tự thế giới và trật tự châu Âu. Tất cả chúng ta còn nhớ cuộc xâm lăng của Liên Xô tại Đức và Ukraine”.

Thủ tướng Ukraine xuất hiện trên kênh truyền hình ARD hôm 8/1. Ảnh: Youtube


Bối cảnh ông Yatsenyuk xuất hiện trên truyền hình Đức khá đặc biệt. Nó là một phần trong chuyến công du của ông tới Berlin nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn của Liên minh châu Âu (EU) với Đức là đầu tàu dành cho Ukraine trên cả hai mặt trận: Hậu thuẫn chính trị, trợ giúp kinh tế cho Kiev và tăng cường sức ép với Moskva. Nó diễn ra tại thời điểm Tổng thống Pháp Francois Hollande phát đi thông điệp EU cần chấm dứt các lệnh cấm vận chống Nga. Mấy ngày sau đó, ngoại trưởng 4 nước Pháp, Nga, Đức, Ukraine sẽ có cuộc gặp trù bị để tiến tới cuộc họp cấp cao theo “thể thức Normandy” mà không có sự hiện diện của Mỹ hay Anh.

Cùng với đó, Thủ tướng Ukraine cũng được xem là nhân vật theo quan điểm “chủ chiến” mạnh nhất tại Kiev, từng tuyên bố rằng muốn Ukraine xây dựng quân đội mạnh để “đương đầu” với Nga. Thủ tướng Cộng hòa Séc Milos Zeman thậm chí còn gọi ông Yatsenyuk là “thủ tướng thích chiến tranh” vì không thích một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Trong một cục diện như vậy, phát ngôn (nếu đúng) của ông Yatsenyuk trên ARD có thể hiểu là cách để ông tìm kiếm sự đồng cảm của nước Đức và cũng là để cản bước hồi phục quan hệ Nga - EU với một số nhân tố tích cực vừa nhen nhóm. Nếu là vậy, Tổng thống Ukraine có thể thỏa mãn phần nào: Kiev liền sau đó nhận được khoản tiền trợ giúp 500 triệu USD từ Berlin; còn hội đàm “thể thức Normandy” thì vẫn chưa biết bao giờ diễn ra, sau khi phiên họp ngoại trưởng 4 bên kết thúc tại Đức hôm 12/1 mà không mang lại bất kì kết quả nào.

Không thể bóp méo lịch sử

Nga ngay lập tức lên tiếng phản đối gay gắt phát biểu của Thủ tướng Ukraine, đồng thời yêu cầu phía Đức giải thích rõ hơn về vấn đề này. Người phát ngôn chính phủ Đức nói rằng Berlin không muốn bình luận về những câu nói của ông Yatsenyuk. Sự “im lặng” của người Đức đã nói lên rằng lẽ phải thuộc về ai. Sự thực cũng chỉ có một mà thôi: Không ai có quyền phủ nhận công lao cùng với những hy sinh to lớn của quân dân Liên Xô trong Thế chiến thứ 2.

Ông Arseniy Yatsenyuk (đứng) có phải là "Thủ tướng của chiến tranh"? Ảnh: Reuters


Nếu Thủ tướng Yatsenyuk có nói câu “…Liên Xô xâm lược Đức và Ukraine” thì quả thực ông đã sai. Lịch sử là những gì đã trải qua, đã diễn ra, nhưng không phải là vô nghĩa. Đó có thể là một quá khứ đau thương, hoặc huy hoàng, nhưng cần phải được tôn trọng. Ngoảnh mặt và xuyên tạc quá khứ cũng chính là đặt dấu chấm hết cho tương lai của chính mình, vì “... nếu anh bắn súng lục vào quá khứ, thì tương lai sẽ bắn đại bác vào anh” (trích tác phẩm “My Daghestan - Daghestan của tôi”, tác giả Rasul Gamzatov).

Cũng là cách ứng xử với lịch sử, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin lại có một cách tiếp cận khác. Ông từng nói rằng, “nếu chúng ta xóa bỏ mọi điều đã có trước và sau tháng 10/1917, thì có nghĩa là chúng ta đã công nhận rằng cha ông chúng ta đã sống một cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa. Bằng cả trái tim và trí tuệ, tôi không thể nào đồng ý về điều đó”. Trong một lần khác, nhà lãnh đạo Nga cũng bộc bạch rằng: “Ai không nuối tiếc trước sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết - người ấy không có trái tim. Còn ai muốn tái lập nó lại như cũ - người ấy không có khối óc”.

Vậy liệu có lối thoát nào cho ông Yatsenyuk? Có, đó chính là việc ông không nói như vậy. Truyền thông Ukraine cũng đã có động thái “nói lại cho rõ”. Tờ Ukraine Today cho biết, trong cuộc trả lời phỏng vấn 14 phút này, Thủ tướng Yatsenyuk chỉ nói một ý “Hành động xâm lược quân sự của Nga nhằm vào Ukraine là một mối đe dọa đối với trật tự thế giới và cũng là mối đe dọa với an ninh châu Âu”. Còn bà Olga Lappo - phát ngôn viên của Thủ tướng Ukraine thì giải thích rằng, ý mà ông Yatsenyuk muốn truyền đạt là Liên Xô là nhân tố "chia cắt nước Đức" sau Thế chiến 2.

Nếu ông Yatsenyuk không nói, thì chắc chắn vẫn phải có người “nói”. Đó sẽ là một phạm trù khác liên quan đến cuộc chiến truyền thông - tuyên truyền. Cần nhớ rằng, gần đây xuất hiện xu hướng xét lại, đòi xem xét bản bản chất của Thế chiến thứ 2 theo hướng phủ nhận mọi đóng góp, công lao của Liên Xô; coi Liên Xô cũng “có tội” như Đức quốc xã trong việc gây ra cuộc chiến này. Hành động đòi đổi trắng thay đen này nhằm mục đích gì và phục vụ cho ai thì hẳn mọi người đều rõ!


Hoài Thanh