06:20 18/06/2015

Thủ tướng tiếp Giám đốc Ngân hàng ADB tại Việt Nam

Chiều 18/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam tới chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ.

Chiều 18/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura tới chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam ông Tomoyuki Kimura. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của ADB đối với Việt Nam thời gian qua, nhất là trong tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cũng như hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam tuy đạt được những kết quả tích trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mục tiêu mà Việt Nam đề ra là đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; tiếp tục kiểm soát tốt, bảo đảm sự kinh tế vĩ mô; tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo dự báo, trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,2% đi liền với đó là tính ổn định kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng vững chắc hơn. Trong Kế hoạch 5 năm tới (2016-2020), Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%; đảm bảo tốt sự ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện nhất quán kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững;… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ADB tiếp tục hợp tác, hỗ trợ hiệu quả đối Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển của mình.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho biết, ông sang nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam vào tháng 7/2011. Thời điểm đó Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đứng trước những khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Song với sự nỗ lực của mình, Việt Nam đã ứng phó rất thành công với khủng hoảng, đã duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo tốt các vấn đề liên quan đến an sinh và phúc lợi xã hội.

“Trong quá trình công tác tại Việt Nam tôi đã được tận mắt chứng kiến sự nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với khủng hoảng cũng như những kết quả ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh”, ông Tomoyuki Kimura bày tỏ.

Ông Tomoyuki Kimura khẳng định, ADB sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển phía trước của mình.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Tomoyuki Kimura đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, nợ công, ODA, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển; đồng thời khẳng định để đạt được các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đã coi giáo dục - đào tạo, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới là một trong những đột phá chiến lược và được quan tâm đặc biệt.

Về nợ công và ODA, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề về nợ công, việc vay nợ là cần thiết và Việt Nam đã kiểm soát tốt việc vay và sử dụng nợ công. Việt Nam vay nợ trong và ngoài nước là để đầu tư cho phát triển, chủ yếu là đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Hiện nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn và khả năng trả nợ là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Tương tự, về ODA cũng hết sức cần thiết đối với Việt Nam, nguồn vốn ODA cũng được Việt Nam quản lý và sử dụng hiệu quả cho các mục tiêu phát triển, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cho giảm nghèo và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

* Cùng chiều, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ Đan Mạch John Nielsen tới chào từ biệt, nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ngài John Nielsen. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Đại sứ John Nielsen trong thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Đan Mạch trên các lĩnh vực; khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục cùng Đan Mạch nỗ lực đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước.

Trên đà phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước cũng như những kết quả hợp tác cụ thể đạt được, Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng mong muốn hai bên tập trung khai thác tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế cho hợp tác phát triển; không ngừng tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, trao đổi đoàn các cấp; cùng nhau nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Đam Mạch đạt con số ấn tượng hơn; thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

“Chính phủ Việt Nam luôn tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, hiện Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán đi tới ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do với các đối tác, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do với EU. Đây là điều kiện và sẽ mở ra nhiều triển vọng, cơ hội cho các hoạt động hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Đan Mạch cũng như giữa Việt Nam với các đối tác.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn Đan Mạch đã hỗ trợ nguồn vốn ODA lớn cho Việt Nam, khoảng 1 tỷ USD và cho biết nguồn vốn này đã được quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả cho các mục tiêu phát triển. Thủ tướng mong muốn Đan Mạch tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam để đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn hai bên thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác về giáo dục-đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân; mong muốn Đan Mạch tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Đan Mạch có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt với xã hội sở tại, qua đó góp phần vào sự phát triển của Đan Mạch cũng như vào sự phát triển quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước.

“Với sự hiểu biết sâu rộng về đất nước và con người Việt Nam, tôi mong muốn ngài Đại sứ dù trên bất kỳ cương vị công tác nào cũng sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực vào thúc đẩy, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Đam Mạch”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.

Đại sứ John Nielsen cho rằng, với sự nỗ lực của cả hai bên, thời gian qua quan hệ hợp tác Việt Nam-Đan Mạch có sự phát triển sâu rộng, toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước; khẳng định Đan Mạch luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Đan Mạch cũng sẽ tiếp tục dành ODA cho Việt Nam; tập trung hỗ trợ Việt Nam trong nâng cao năng lực về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chú trọng thúc đẩy hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Đại sứ John Nielsen khẳng định, dù trên bất kỳ cương vị công tác nào, ông cũng sẽ luôn là cầu nối hữu nghị, góp phần tích cực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Đan Mạch và Việt Nam.



TTXVN/Tin tức