11:09 11/11/2011

Thủ tướng Thái Lan không có ý định từ chức

Ngày 10/11, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã lên tiếng bác bỏ tin tức trên một số phương tiện truyền thông nói rằng bà sẽ từ chức để nhận trách nhiệm về thất bại trong việc ứng phó và giải quyết cuộc khủng hoảng lũ lụt.

Ngày 10/11, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã lên tiếng bác bỏ tin tức trên một số phương tiện truyền thông nói rằng bà sẽ từ chức để nhận trách nhiệm về thất bại trong việc ứng phó và giải quyết cuộc khủng hoảng lũ lụt.


Toàn cảnh ngập lụt tại sân bay Don Muaeng. Ảnh: AFP/TTXVN


Mạng tin của báo “Bưu điện Băngcốc” dẫn lời bà Yingluck nêu rõ “thông tin trên hoàn toàn bịa đặt và tôi không có ý định từ chức”. Bà Yingluck khẳng định, nhân dân đã ủng hộ và tín nhiệm bỏ lá phiếu bầu bà làm thủ tướng. Vì thế trên cương vị đứng đầu chính phủ, bà sẽ tiếp tục dồn nỗ lực giải quyết mọi công việc của đất nước và phục vụ mọi tầng lớp nhân dân, bất luận đảng phái hoặc màu sắc chính trị.

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc một số bộ phận không ngớt chỉ trích bà và chính phủ thiếu năng lực ứng phó lũ lụt, bà Yingluck nêu rõ: “Lũ lụt là thiên tai và nhiều nước khác cũng phải bó tay trước thiên tai. Các tầng lớp nhân dân và các bộ phận khác nhau trong xã hội cần cảm thông, chia sẻ và dành sự ủng hộ cho các quan chức đang ngày đêm chống lũ”. Bà Yingluck cam kết sẽ lắng nghe mọi ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thay vì chính trị hóa thiên tai, nên đoàn kết và hợp tác với chính phủ triển khai cứu trợ và các kế hoạch khắc phục thiên tai.

Tin đồn bà Yingluck, em gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, có ý định từ chức được một số phương tiện truyền thông đăng tải ngày 10/11 giữa lúc bà đối mặt với nhiều áp lực kề từ khi lên nắm quyền cách đây 3 tháng nhưng đã ngay lập tức phải đối phó với trận đại hồng thủy chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Các đối thủ chính trị đã không ngớt chỉ trích bà không chứng tỏ được vai trò lãnh đạo, không kiểm soát được các thành viên nội các và các quan chức chính phủ và kết quả là bộ máy chính phủ không thể đưa ra các biện pháp hữu hiệu ứng phó và giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Người phát ngôn đảng Dân chủ đối lập, ông Chavanond Intarakomalyasut, nói: “Bà Yingluck lãnh đạo đất nước nhưng đáng tiếc bà không có định hướng và thiếu tính quyết đoán”. Một cuộc khảo sát do trường Đại học Băngcốc (BU) công bố khẳng định sau ba tháng nắm quyền, chính phủ của bà chỉ nhận được sự ủng hộ của 48% trong tổng số 1.168 người tham gia khảo sát.

Trong khi đó cựu Thủ tướng Thaksin, người lâu nay vẫn bị nhìn nhận là nhà lãnh đạo thực sự của đảng Puea Thai cầm quyền, tiếp tục né tránh các phát biểu công khai về lũ lụt, trừ một vài nhắn gửi chia sẻ với các nạn nhân lũ lụt trên mạng xã hội. Tại một số nơi, người dân vẫn nhìn thấy các gói hàng cứu trợ mang dòng chữ “Thaksin Shinawatra bày tỏ yêu thương và sự quan tâm sâu sắc” nhưng cố vấn của ông là ông Noppadon Pattama khẳng định ông Thaksin không hay biết về các gói hàng cứu trợ mang tên ông.

Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường Đại học Payap (PU), ông Paul Chambers, nhận xét: “Ông Thaksin đã giữ im lặng và ít biểu lộ ủng hộ bà Yingluck ngay cả khi người em gái của ông đang đối mặt với nhiều áp lực. Có lẽ ông Thaksin muốn tạo khoảng cách với bà Yingluck, người đang đối mặt với rủi ro mất ghế thủ tướng. Ông Thaksin và các chính trị gia đảng Puea Thai cầm quyền nên để bà Yingluck đối mặt với chỉ trích và tự vượt lên cơn bão chính trị, vì các đối thủ vẫn tập trung hạ uy tín bà bằng cách gieo rắc cảm nhận bà chỉ là con rối bị giật giây”.

Chuyên gia về Thái Lan thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Xinhgapo, ông Pavin Chachavalpongpun, cho rằng “ông Thaksin lùi bước để trao cơ hội cho bà Yingluck bước ra khỏi cái bóng của ông và đây là một quyết định đúng đắn. Dù bà Yingluck có thể thất bại, nhưng ông Thaksin nên để bà tự đối phó mọi thách thức vì mọi dính líu của ông sẽ chỉ khiến tình hình thêm phức tạp và mở ra cơ hội để các lực lượng đối lập đả phá chính phủ”.

Nguyễn Xuân Trọng (P/v TTXVN tại Thái Lan)