Tối 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành triển khai chiến dịch xây dựng trường học và nhà ở nội trú cho học sinh, giáo viên xã biên giới đất liền trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về triển khai chiến dịch xây dựng trường học cho các xã biên giới. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Dự hội nghị có Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Tài chính, Dân tộc và Tôn giáo, Nông nghiệp và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Nội vụ; Văn phòng Chính phủ.
Sau khi Bộ Chính trị có Thông báo số 81-TB/TW ngày 18/7/2025 kết luận về chủ trương đầu tư xây dựng trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở tại 248 xã biên giới đất liền, trong đó ngay trong năm 2025 thí điểm đầu tư xây mới hoặc cải tạo 100 trường học; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Tài chính, Dân tộc và Tôn giáo, Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kết luận của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trong đó, các bên liên quan rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan; phương án xây dựng trường; huy động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, toàn xã hội tham gia hỗ trợ việc xây dựng, cải tạo trường học cho xã biên giới; xây dựng tiêu chuẩn, mẫu thiết kế; khảo sát về đất đai, đảm bảo cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, cảnh quan cho các trường…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Qua rà soát, cả nước có 22 tỉnh, thành phố, với tổng số 248 xã biên giới đất liền. Tại các xã biên giới đất liền có 956 trường phổ thông, với quy mô hơn 625.000 học sinh; tổng số học sinh có nhu cầu nội trú, bán trú là trên 332.000 học sinh.
Hiện nay, nhu cầu cơ sở vật chất cần đầu tư bổ sung để đảm bảo điều kiện học tập, sinh hoạt nội trú, bán trú cho số học sinh có nhu cầu là hơn 6.000 phòng học lý thuyết; gần 8.000 phòng ở nội trú cho học sinh; khoảng gần 4.000 nhà bếp, nhà ăn, phòng quản lý học sinh, phòng sinh hoạt chung, nhà văn hóa; hơn 3.400 phòng công vụ cho giáo viên…
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Các đại biểu đề xuất nghiên cứu kỹ nhu cầu thực việc xây dựng trường, trong bối cảnh sáp nhập các xã, tính toán vấn đề duy trì hoạt động của trường; việc thiết kế tiêu chí, mẫu, quy mô cần linh hoạt; việc tổ chức ăn ở, sinh hoạt bán trú cho học sinh; vấn đề huy động nguồn lực toàn xã hội đầu tư xây dựng trường; vấn đề phân cấp, trách nhiệm của địa phương; cần có cơ chế đặc biệt về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, song kiểm soát tốt tránh lãng phí, tiêu cực…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Sau khi các bộ, ngành báo cáo và thảo luận về giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, Kết luận 81 của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới là quyết sách lớn, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc; phải khẩn trương triển khai, trong đó triển khai thần tốc, táo bạo để hoàn thành xây dựng 100 trường học tại các xã biên giới trước ngày 30/8/2026.
Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng 100 trường học tại các xã biên giới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, lập quy hoạch, tìm địa điểm, đảm bảo về diện tích, các hạ tầng điện, nước, viễn thông để xây trường; kêu gọi người dân hiến đất để xây dựng trường. Bộ Xây dựng thiết kế mẫu trường với đầy đủ công năng, phù hợp với nhu cầu của đối tượng học sinh và với văn hoá, địa hình, thời tiết, khí hậu của mỗi vùng, miền.
Lãnh đạo các bộ tham dự cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng lưu ý cần có cơ chế, chính sách đặc biệt, thủ tục rút gọn, thông thoáng, linh hoạt và chống tiêu cực, tham nhũng trong triển khai chương trình xây dựng trường tại các xã biên giới. Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa nguồn lực xã hội, trong đó nguồn lực nhà nước là chính; đồng thời huy động lực lượng Quân đội, Công an, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị xã hội, toàn xã hội chung tay, tạo sức mạnh tổng hợp, tạo phong trào thi đua xây dựng trường tại các xã biên giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về triển khai chiến dịch xây dựng trường học cho các xã biên giới. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Bộ Tài chính tính toán, bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng trường học các xã biên giới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải triển khai nhiệm vụ này với “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào, dứt việc nấy”, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền”.