09:18 23/09/2019

Thủ tướng Nga ký nghị quyết phê chuẩn Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu

Ngày 23/9, Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã ký nghị quyết nội các về việc phê chuẩn Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: windfair

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin Thỏa thuận Paris đạt được trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (FCCC), trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan tới khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Phát biểu tại một cuộc họp với các phó thủ tướng cùng ngày, Thủ tướng Medvedev nêu rõ: "Hãy bắt đầu với một văn kiện quan trọng. Tôi đã ký một nghị quyết chính phủ, liên quan tới việc phê chuẩn Thỏa thuận Paris (về chống biến đổi khí hậu)".

Nga ký Thỏa thuận Paris ngày 22/4/2016. Tới nay đã có 195 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) ký thỏa thuận. Tuy nhiên, vẫn còn 10 nước chưa phê chuẩn thỏa thuận quan trọng này, trong đó có Mỹ.

Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã bóng gió về việc nước này phê chuẩn Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và văn kiện này được thông qua bằng một sắc lệnh chính phủ, chứ không bằng một đạo luật của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga.

Việc Chính phủ Nga phê chuẩn Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu diễn ra ngay trước thềm Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng LHQ về biến đổi khí hậu, diễn ra ngày 23/9 tại New York.

Chú thích ảnh
Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề toàn cầu. Ảnh: TTXVN.

Thoả thuận Paris được thông qua tại Hội nghị các bên lần thứ 21 của Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) vào tháng 12/2015 là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện Thoả thuận Paris đã được 95 quốc gia, trong đó có Việt Nam, phê chuẩn.

Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù rất quyết tâm nhưng Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu này. Đánh giá quá trình thực hiện thỏa thuận sẽ được tiến hành 5 năm một lần. Đến năm 2020 sẽ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai.

Theo Climate Action Tracker, một trang web được ba tổ chức nghiên cứu môi trường điều hành, với các chính sách môi trường hiện nay thì nhiệt độ của Trái Đất dự kiến sẽ tăng 3,3 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Cho dù áp dụng các chính sách lạc quan, thì nhiệt độ của Trái Đất vẫn được dự kiến tăng ở mức 3 độ C, có nghĩa là các quốc gia vẫn cần nỗ lực nhiều để giảm nhiệt độ toàn cầu ở mức độ toàn diện nếu họ muốn đạt được mục tiêu ban đầu trong thỏa thuận trên.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Mỹ hiện là quốc gia thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ấm lên của Trái Đất. Tuy nhiên, vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố về việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu với lý do chi phí kinh tế cao.

Theo một nghiên cứu của Stanford, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, nền kinh tế toàn cầu đã bị tổn thất hàng nghìn tỷ USD, riêng Mỹ thiệt hại 6.000 tỷ USD. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc không đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ làm giảm ít nhất 25% GDP toàn cầu vào cuối thế kỷ này. Đây là một tổn thất khổng lồ mà có thể tránh được nếu áp dụng các chính sách phù hợp. 

Trần Thanh Tuấn/Báo Tin tức