01:09 26/01/2015

Thủ tướng Hy Lạp thừa nhận thất bại trong tổng tuyển cử

Thủ tướng Hy Lạp thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra ngày 25/1, tuy nhiên ông tuyên bố tôn trọng quyết định của người dân.

Theo kết quả mới nhất sau khi kiểm 94% số phiếu, đảng Syriza đối lập ở Hy Lạp nhận được 36,37%, vượt xa Đảng Dân chủ Mới của Thủ tướng Antonis Samaras mới chỉ giành được 27,81% phiếu. Không chờ công bố kết quả cuối cùng, Thủ tướng Samaras đã thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra ngày 25/1, tuy nhiên ông tuyên bố tôn trọng quyết định của người dân.


Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hy Lạp Antonis Samaras thừa nhận thất bại sau khi kết quả tổng tuyển cử được công bố. Ảnh: AFP/ TTXVN


Nếu kết quả trên được duy trì đến khi hoàn tất việc kiểm phiếu, ông Alexis Tsipras, lãnh đạo Syriza, sẽ trở thành vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong 150 năm qua của đất nước vùng Địa Trung Hải này. Tuy nhiên Syriza gần như không có khả năng giành 151 ghế, quá bán trong quốc hội nhất viện 300 ghế của Hy Lạp. Như vậy đảng Syriza sẽ phải liên minh với các đảng khác như "Bình minh Vàng", "Potami" hay Đảng Cộng sản để thành lập chính phủ.


Trong lúc này, Syriza đã kịp đưa ra những tuyên bố khiến cả Liên minh châu Âu (EU) phải lo ngại. Lãnh đạo Syriza Alexis Tsipras tuyên bố, kể từ ngày 26/1 Hy Lạp ngừng chính sách thắt lưng buộc bụng mà đất nước thi hành 5 năm qua theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy chương trình cứu trợ kinh tế. Đồng thời, Athens sẽ đưa ra kế hoạch cải cách, đầu tư và khôi phục kinh tế của riêng mình. Ông Tsipras cũng cam kết kế hoạch trên sẽ không dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước. Người chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế của Syriza cho biết, trong trường hợp đảng này lên nắm quyền, các chương trình hợp tác với Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn gọi là Eurogroup, sẽ phải chấm dứt. 


Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp vẫn “sống” nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế (Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Ngân hàng trung ương châu Âu - ECB và EU). Ba tổ chức này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng rất nghiêm ngặt. Những kế hoạch khắc khổ này đang khiến cuộc sống của người dân Hy Lạp trở nên khó khăn và rất có thể kết quả bầu cử trên là "sự trừng phạt" đối với chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras, để đưa ông Alexis Tsipras - lãnh tụ của đảng cánh tả Syriza - lên cầm quyền.



TTXVN/Tin tức