11:00 02/11/2011

Thủ tướng Hy Lạp làm rúng động Eurozone

Tổ chức trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 26/10 – quyết định mà Tổng thống Hy Lạp George Papandreou vừa bất ngờ đưa ra đã làm rúng động cả Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong ngày 1/11.

Tổ chức trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hôm 26/10 – quyết định mà Tổng thống Hy Lạp George Papandreou vừa bất ngờ đưa ra đã làm rúng động cả Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong ngày 1/11. Các nhà lãnh đạo khu vực vội vã tìm cách giải quyết, các nhà cứu trợ cảm thấy bực mình còn các thị trường chứng khoán thế giới thì đồng loạt lao dốc.

Nhà giao dịch băn khoăn với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ sau quyết định của Thủ tướng Hy Lạp. Ảnh: AFP- TTXVN


Trải qua hai hội nghị chỉ trong vòng 3 ngày và sau nhiều giờ đàm phán, các nhà lãnh đạo EU mới đạt được thỏa thuận xóa 50% nợ cho Hy Lạp – một phần trong gói thỏa thuận được xem là lời giải quan trọng đầu tiên cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Tất nhiên, Aten đổi lại phải thực hiện một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân.

Thừa nhận chính phủ chịu sự ràng buộc với dân chúng, ông Papandreou tối 31/10 đã tuyên bố trước Quốc hội quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về thỏa thuận này. Nhà lãnh đạo Hy Lạp khẳng định, nếu người dân không chấp nhận thỏa thuận cứu trợ mới thì văn bản này sẽ không được thông qua. Không những thế, ông Papandreou còn đề nghị Quốc hội nước này bỏ phiếu tín nhiệm về các chính sách mà chính phủ của ông dự định thực thi trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ hiện nay (đến năm 2013).

Theo đánh giá của giới phân tích, quyết định trên của ông Papandreou đã bắt đầu làm lộ ra mặt trái của thỏa thuận quan trọng mà EU mới đạt được. Cuộc trưng cầu ý dân cũng như cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Hy Lạp có thể xem như cuộc bỏ phiếu về tương lai của Eurozone.

Với Hy Lạp, các nhà phân tích cho rằng, nếu người dân nước này nói “KHÔNG” với thỏa thuận cứu trợ mới, Aten nhiều khả năng sẽ phải ra khỏi Eurozone. Trong khi đó, theo kết quả cuộc thăm dò được công bố ngày 30/10 của tuần báo To Vima, có tới 58% người dân Hy Lạp đánh giá thỏa thuận cứu trợ mới là “tiêu cực” hoặc “tương đối tiêu cực”, cho dù có tới 72% số người được hỏi cho rằng Hy Lạp cần tiếp tục ở trong Eurozone.

Trước quyết định bất ngờ trên của Thủ tướng Papandreou, Nga và Đức – hai “đầu tàu” của Eurozone – tối 1/11 đã ra tuyên bố chung cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nhất trí tổ chức hội nghị bàn tròn với các nhà lãnh đạo châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Hy Lạp tại Cannes (Pháp) vào hôm nay (2/11), bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.

Thủ tướng Silvio Berlusconi của Italia – quốc gia cũng đang chìm trong khủng hoảng nợ công – tỏ ra bất bình với quyết định của người đồng cấp Hy Lạp, cho rằng quyết định này “ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường và tạo ra bất ổn ngay trước thềm Hội nghị G20”.

Các tổ chức cho vay – những người đã đồng ý xóa nợ cho Hy Lạp – cũng không thể bình tĩnh với quyết định của ông Papandreou. Ông Michael Kemmer đứng đầu Hiệp hội ngân hàng BdB của Đức cho rằng, tình trạng bất ổn chắc chắn sẽ kéo dài nhiều tuần, việc thực thi thỏa thuận mà EU mới đạt được sẽ bị trì hoãn, thậm chí bị “đóng băng”. Tuy nhiên, các tổ chức cho vay tuyên bố họ vẫn sẽ thực hiện cam kết xóa nợ cho Hy Lạp.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng với các chỉ số chủ chốt thi nhau tụt dốc, đặc biệt là tại châu Âu. Thị trường chứng khoán Hy Lạp phiên 31/10 gần như tan vỡ vì mức sụt giảm tới 6,31%. Lúc 22 giờ ngày 1/11 (giờ VN), chỉ số MSCI chứng khoán toàn cầu giảm 3%; chỉ số FTSEurofirst 300 gồm các cổ phiếu hàng đầu châu Âu giảm 3,2%; các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 1,81%, 1,98% và 1,98%.

Trên thị trường tiền tệ, đồng euro cũng rớt giá mạnh. Tỷ giá giữa euro và USD giảm 1,3%, xuống 1,3608 USD/euro – mức thấp nhất kể từ ngày 12/10 vừa qua.

A.M (Tổng hợp)