07:08 02/07/2017

Thủ tướng Hungary Orban – từ 'nổi loạn' sang 'hình mẫu'?

Trang mạng hungarytoday.hu vừa đăng bài phân tích của chuyên gia Adam Topolansky về chính sách ngoại giao đầy tham vọng của Thủ tướng Viktor Orban bất chấp thực tế là nước này đang vướng xung đột với các nước lớn trong EU.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Budapest ngày 10/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết nêu rõ: Kể từ năm 2010 đến nay chính phủ của Thủ tướng Orban chỉ chịu khuất phục trước các áp lực “từ bên ngoài” hai lần. Lần đầu tiên là vào tháng 10/2014, khi hàng chục nghìn người biểu tình trên các đường phố của thủ đô Budapest phản đối đề xuất áp thuế đối với lĩnh vực viễn thông và tháng 4/2016, khi quyết định đóng cửa các cửa hàng và siêu thị lớn.
   
Trong quá trình cầm quyền Thủ tướng Orban liên tục bị lực lượng đối lập cáo buộc tập trung quyền lực vào tay mình. Tuy nhiên, thời gian đã cho thấy các luận điệu này ngày càng trở nên bất hợp lý. Câu trả lời của Thủ tướng Orban là các chính sách của chính phủ Hungary chỉ nhằm mục đích hoàn thiện quá trình chuyển giao quyền lực từ giai đoạn cầm quyền của ông Kádár Janos (Tổng Bí thư đảng Xã hội Công nhân Hungary từ 1956-1988) sang giai đoạn hậu Xô viết và một nước Hungary độc lập, dân chủ hiện nay. Những người ủng hộ Thủ tướng Orban, hiện nay chiếm đa số cử tri của nước này, ủng hộ quan điểm trên. Điều này thể hiện rõ qua việc ông Orban luôn dẫn đầu về tỉ lệ ủng hộ so với các đối thủ khác khi kỳ bầu cử năm 2018 đang đến gần. Hơn nữa, đảng Fidesz của ông Orban cũng tiếp tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.
   
Các nhà lãnh đạo theo xu hướng tự do ở châu Âu ngày càng lo ngại đối với sự gia tăng ảnh hưởng của chính phủ Thủ tướng Orban không chỉ trong các vấn đề đối nội mà cả đối ngoại. Ủy ban châu Âu đã có một số động thái can dự vào chính trường Hungary trong 7 năm qua với cáo buộc chính sách của chính phủ Hungary vi phạm các quy định của EU. 

Mặc dù vậy, đến nay chính sách này của Ủy ban châu Âu dường như không có hiệu quả trong việc “siết chặt kỷ luật” đối với chính phủ Hungary. Thậm chí, trong bối cảnh chịu tác động bởi sự kiện Brexit, kết quả bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua và cuộc bầu cử Quốc hội Đức vào tháng 9 tới, vị thế, ảnh hưởng của ông Orban vẫn được duy trì. Chiến thắng của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp tác động tiêu cực tới các chính phủ trung hữu  ở Đông Âu  nhưng chưa đủ mạnh để thay đổi chính sách của chính phủ Hungary.
   
“Cuộc chiến” giữa chính phủ của ông Orban với các cường quốc trong EU sẽ tiếp tục được cử tri Hungary ủng hộ. Ngoại trưởng Péter Szijjártó đã chứng minh được năng lực của mình trong việc “hợp pháp hóa” chính sách đối nội, đối ngoại của Hungary. Mặt khác, ông Orban có khả năng và thành công trong việc đưa ra các chương trình nghị sự vượt ra khỏi khuôn khổ chính trường Hungary như trong việc xử lý quan hệ với Mỹ, Nga, Trung Quốc và tác động tới chính sách của EU. Chẳng hạn như đối với chính sách nhập cư gây tranh cãi, đa số dư luận Hungary ủng hộ chính sách phản đối việc mở của đối với người nhập cư của ông Orban. Trong khi các lực lượng đối lập trên chính trường Hungary đã nhiều lần thay đổi quan điểm liên quan đến vấn đề này thì ông Orban vẫn kiên trì chính sách đưa ra ngay từ những thời điểm ban đầu. Thực tế, trong khi ông Orban được người dân  nước này ủng hộ thì các lực lượng đối lập và Ủy ban châu Âu vẫn đang loay hoay trong việc xác định chính sách giải quyết vấn đề nhập cư.
   
Bât chấp sự tấn công mạnh mẽ từ các phương tiện truyền thông theo xu hướng tự do ở Washington, Brussels, New York, Paris, London và Berlin, chính sách bảo thủ của Thủ tướng Orban dường như được sự ủng hộ của cử ở nhiều nước. Thông qua việc trở thành vị thủ tướng đầu tiên trong các nước EU chính thức ủng hộ ứng viên Donald Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Orban đã cho thế giới thấy rằng sự gia tăng ảnh hưởng của các chính sách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa không chỉ là ngoại lệ mà là xu hướng chủ đạo trong chính sách đối ngoại. Theo quan điểm của ông Orban, chủ nghĩa tự do và chính sách kinh tế tự do đã thất bại và gây ra cuộc suy thoái toàn cầu từ năm 2008. Vì vậy, cần loại bỏ các chính sách này. Ảnh hưởng của chính sách bảo thủ của chính phủ Hungary đã vượt khỏi phạm vi nước này. Gần đây, Ba Lan, Séc, Croatia và thậm chí Slovakia cũng theo xu hướng phản đối sự chi phối của Ủy ban châu Âu đối với chính phủ các nước thành viên.
  
Đến nay, cường quốc duy nhất trên thế giới là Mỹ cũng trở nên kiên nhẫn hơn khi đề cập đến chính sách đối ngoại của Hungary. Trong khi giới tinh hoa lãnh đạo EU ở Brussels như ông Macron và bà Merkel tiếp tục đau đầu với chính sách độc lập của các nước thành viên Đông Âu thì chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ dường như sẽ thúc đẩy các lực lượng bảo thủ theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở khu vực này.
   
Ảnh hưởng của ông Orban đang gia tăng và chính sách của ông này hiện đã được coi là “hình mẫu” chứ không còn là hình ảnh ban đầu của một chính trị gia “nổi loạn” ở Đông Âu như các đối thủ chính trị của ông ở Budapest, Brussels và Washington thường cáo buộc.

Nguyễn Hồng Tâm (TTXVN)