12:19 01/12/2022

Thủ tướng Đức giải thích nhu cầu mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức sẽ đẩy nhanh mua máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất để duy trì khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ nỗ lực răn đe chung của NATO.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đứng trước một chiếc F-35 tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế. Ảnh: Getty Images

Theo đài RT (Nga), tại Hội nghị An ninh ở Berlin, nhà lãnh đạo Đức cho biết nước này cần phải trang bị khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chừng nào Nga còn sở hữu loại vũ khí chiến lược này. Ông Scholz đã đề cập đến những tuyên bố của phương Tây cho rằng Moskva đang đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để giành ưu thế trong cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Nga đã bác bỏ cáo buộc trên.

Trong một sự kiện an ninh chiến lược ngày 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết quan điểm của Moskva là tránh mọi cuộc đối đầu quân sự giữa các quốc gia hạt nhân, thậm chí là một cuộc đối đầu sử dụng vũ khí thông thường, do nguy cơ leo thang thành cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Trong khi đó, Thủ tướng Scholz cho biết Đức sẽ hoàn tất thỏa thuận mua máy bay chiến đấu F-35 có khả năng triển khai hạt nhân vào cuối năm nay.

Hiện tại, máy bay chiến đấu duy nhất trong hạm đội Đức có khả năng này là Panavia Tornados. Quân đội nước này đang tìm cách thay thế là Panavia Tornados bằng loại máy bay hiện đại hơn. Hiện Lực lượng Không quân Đức sở hữu khoảng 90 chiếc máy bay chiến đấu được biên chế từ những năm 1980 và sẽ dần loại bỏ chúng từ năm 2025 đến năm 2030. Đức đang cân nhắc mua tới 35 chiếc F-35 với khoản chi 104 tỷ USD theo chương trình tái thiết vũ trang do Thủ tướng Scholz công bố vào đầu năm nay.

Việc Bộ Quốc phòng Đức đưa tiêm kích Mỹ vào danh sách ứng cử viên thay thế đã đảo ngược quyết định trước đó của Chính phủ cựu Thủ tướng Angela Merkel, vốn ủng hộ các máy bay chiến đấu tấn công đa nhiệm Eurofighter Typhoon của châu Âu. Tuy nhiên, mẫu máy bay này không tương thích với bom trọng lực hạt nhân B61 do Mỹ sản xuất. Vì vậy, Chính phủ của cựu Thủ tướng Merkel và ông Scholz đều đã cân nhắc mua tiêm kích hạm đa năng F/A-18E/F Super Hornet của Boeing.

Về phần mình, Nga từ lâu đã chỉ trích kế hoạch chia sẻ hạt nhân của NATO là vi phạm tinh thần của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Moskva lập luận rằng bằng cách đào tạo các quốc gia, như Ba Lan, cách triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ, Washington đang làm mất ổn định cán cân quyền lực ở châu Âu.

Hải Vân/Báo Tin tức