08:19 30/08/2017

Thủ tướng: Chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí

Tiếp tục tinh thần năm giảm chi phí cho doanh nghiệp 2017, Thủ tướng nhấn mạnh trước mắt chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh. Việc đề xuất tăng thuế VAT cần phân tích cụ thể, có lộ trình cụ thể và thông tin để lấy ý kiến người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tiếp tục Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong ngày 30/8, các thành viên Chính phủ đã thảo luận kỹ về các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017; đồng thời cho ý kiến về một số kế hoạch, báo cáo quan trọng liên quan đến tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017, dự toán năm 2018; dự thảo kế hoạch tài chính- ngân sách Nhà nước ba năm 2018 – 2020; kế hoạch phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và các vấn đề an sinh, xã hội quan trọng khác nổi lên trong tháng 8.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Phiên họp với nhiều nội dung quan trọng cần triển khai thực hiện ngay trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2017.

Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng không mệt mỏi của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch năm 2017, trong đó có 8 chỉ tiêu phấn đấu vượt kế hoạch. Thủ tướng cảnh báo nếu tháng 9 và quý IV/2017, việc thực hiện các nhiệm vụ không sát sao sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục rà soát lại từng chỉ tiêu, phấn đấu quyết liệt thực hiện, không được chủ quan.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá tình hình, kết quả năm 2017 rõ ràng hơn; phân tích bối cảnh trong nước quốc tế, nhất là xem xét các mục tiêu giai đoạn 2018 -2020, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu giải pháp cụ thể. Trong đó, phải chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo tinh thần đổi mới nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Việc xây dựng các chỉ tiêu trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 2018 và ba năm 2018 – 2020 phải có cơ sở vững chắc.

Chống thất thoát, lãng phí

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu, rà soát các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn của tài chính. Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, gian lận, nợ đọng thuế, chống lạm thu, khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần có chính sách chuyển mạnh số hộ từ thuế khoán sang kê khai thuế; tái cơ cấu ngân sách mạnh mẽ, tăng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, giảm mạnh chi thường xuyên, với nhiều hình thức tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán chi… Thủ tướng gợi ý nghiên cứu ủng hộ phương án đặt mức bội chi ngân sách ở mức 3,7% GDP để có nguồn chi cho đầu tư  phát triển.

Phải rà lại chi thường xuyên, hội họp, đi nước ngoài, tiếp khách để tiếp tục tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước dành cho các vùng khó khăn; đẩy mạnh chính sách tài khóa tiết kiệm theo tinh thần của Quốc hội, Thủ tướng chỉ đạo.

Yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện kế hoạch phân bổ Ngân sách Trung ương 2018 để các cấp thẩm quyền phê duyệt công khai, minh bạch, Thủ tướng lưu ý phải đảm bảo việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tốt hơn, kịp thời hơn.
Khẳng định việc bám sát nguyên tắc “không có chính sách mới khi không có nguồn” là phù hợp, song, Thủ tướng cho rằng, cần bố trí nguồn vốn đặc biệt để sử dụng cho những công việc đột xuất, cấp bách của đất nước trên tinh thần “đồng tiền, hạt gạo của Nhà nước sử dụng đúng mục đích, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực ở mọi cấp ngân sách”.

Liên quan đến nhiệm vụ chuẩn bị, xây dựng chính sách về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở y tế và các đề án khác để trình cơ quan chức năng báo cáo Hội nghị Trung ương 6, Thủ tướng nhấn mạnh về tinh thần là phải ổn định bộ máy, nhiệm vụ, kế hoạch phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII theo hướng cải cách bộ máy, giảm biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công.

Dành vốn cho các công trình cấp bách

Giao nhiệm vụ cụ thể trong tháng 9 và các tháng còn lại của năm 2017, Thủ tướng yêu cầu “đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành hiện đang còn nhiều bất cập, chưa tạo nên một sân chơi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng cấp dưới chưa đồng hành. Một bộ phận còn hành doanh nghiệp thông qua các thủ tục”.

Thủ tướng chia sẻ, việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh là vấn đề Chính phủ đang rất quan tâm hiện nay.

Nhằm khơi thông mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phấn đấu từ nay đến cuối năm tiếp tục giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay bởi đây là giải pháp kích cầu quan trọng cho nền kinh tế. Cùng với việc áp dụng các biện pháp cần thiết để đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng 21% hoặc hơn; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn ODA, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư một mặt phân bổ vốn theo Nghị quyết của Chính phủ kịp thời hơn, mặt khác tiến hành thanh tra công vụ đối với các đơn vị trực tiếp xử lý vốn đầu tư công để xác định trách nhiệm, tăng cường kỷ cương.  “Kiên quyết cắt giảm để dành vốn cho các công trình cấp bách”.

Chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế

Nhắc đến một chủ đề đang gây bức xúc mạnh mẽ đối với người dân và doanh nghiệp tháng 8 là phí BOT, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư BOT, mức phí và thời gian thu phí; đồng thời kiến nghị các giải pháp cụ thể báo cáo Thủ tướng trong tháng 9. “Kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận, khắc phục sớm tình trạng có tới 70 loại phí liên quan đến giao thông”, Thủ tướng nêu rõ.

Tiếp tục tinh thần năm giảm chi phí cho doanh nghiệp 2017, Thủ tướng nhấn mạnh trước mắt chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh. Việc đề xuất tăng thuế VAT cần phân tích cụ thể, có lộ trình cụ thể và thông tin để lấy ý kiến người dân. “Phải rất thận trọng vì vấn đề này ảnh hưởng đến giá thành, giá bán và đời sống nhân dân”, Thủ tướng lưu ý.

Đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, phòng chống thiên tai, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp đảm bảo tăng trưởng 3,05% theo kế hoạch và phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu nông sản 35 tỷ USD, đánh dấu một kỷ lục cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà không hiệu quả; chấm dứt tình trạng phân bón giả, chất lượng kém tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được.

Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị tiến hành kiểm tra một số địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp để bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh các dự án công nghiệp tăng trưởng. Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trong đó có du lịch mà sơ suất 1 tháng không đạt chỉ tiêu sẽ khó đạt mốc 6,7% của năm 2017, Thủ tướng báo động và chỉ rõ, riêng lĩnh vực du lịch phải đạt 15 – 17 triệu khách trong năm nay.

Tại Phiên họp, Thủ tướng giao Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội phối hợp, đẩy nhanh việc dập dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng.

Bộ Y tế phải khẩn trương chấn chỉnh công tác quản lý đấu thầu thuốc, nhanh chóng áp dụng tập trung đấu thầu thuốc, tránh việc giá thuốc tăng cao, không kiểm soát được, nhất là biệt dược. Liên quan đến vụ việc tại Công ty VN Pharma, Thủ tướng cho rằng, đây cũng là dịp để chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan. Thủ tướng tán thành ý kiến đề nghị thanh tra việc cấp phép về vấn đề nhập khẩu thuốc của Bộ Y tế để làm rõ vấn đề này trả lời dư luận; đồng thời qua đó nâng cao trách nhiệm đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo chuẩn bị tốt điều kiện phục vụ khai giảng năm học mới 2017 - 2018, nhất là tại các vùng chịu thiệt hại do bão lũ vừa qua; không để xảy ra tình trạng lạm thu, đẩy giá vật dụng ngành giáo dục, hoặc tình trạng học sinh không đến trường vì không có tiền đóng học phí.

Quang Vũ (TTXVN)