11:15 04/11/2019

Thủ tướng Ấn Độ trước lựa chọn khó khăn đối với Hiệp định RCEP

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ phải “cưỡi hổ” ở Bangkok (Thái Lan) khi ra quyết định liệu có gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay không.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ ở Bangkok, Thái Lan ngày 3/11. Ảnh: Reuters 

Nếu Ấn Độ đặt bút ký thỏa thuận này, có khả năng Thủ tướng Modi sẽ phải đối mặt với hàng loạt phản đối từ người nông dân, người nuôi bò sữa và nhiều thực thể trong ngành công nghiệp dịch vụ và ô tô nội địa. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ (SIAM) khẳng định có 28 loại xe không nằm trong phạm vi của RCEP.

Đối với trường hợp lưỡng lự về việc gia nhập RCEP, vị trí của Ấn Độ trong các nhóm đa phương cũng bị ảnh hưởng như BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi); RIC (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) và SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải).

Kênh RT (Nga) cho biết RCEP là thỏa thuận thương mại quy mô giữa 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Ấn Độ vốn ký FTA với ASEAN trong nhiều năm. Tuy nhiên từng có lịch sử FTA không hiệu quả với New Delhi ví dụ điển hình là FTA giữa Ấn Độ với Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đến nhập khẩu còn vượt quá xuất khẩu.

Ngoài ra, Ấn Độ còn thảo luận về FTA với Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều năm nhưng dường như "đóng băng tại chỗ" và vấn đề nằm ở hai yếu tố: Ấn Độ thiếu năng lực sản xuất và FTA không hợp đối với những ngành dịch vụ mà Ấn Độ có thế mạnh.

Ví dụ rõ nhất là đàm phán FTA với Trung Quốc khi ngành dịch vụ của Ấn Độ lại không được tạo điều kiện để cắt giảm hàng rào thuế quan. Nông nghiệp Ấn Độ cũng bị áp đảo bởi các công ty lớn của Trung Quốc.

Nhiều bộ trưởng của Ấn Độ đã phản đối RCEP và bày tỏ muốn bảo vệ công nghiệp nội địa. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ RCEP không chỉ mang tầm kinh tế mà còn chiến lược. Ấn Độ không muốn bị đứng ngoài lề nhóm thương mại lớn nhất thế giới.

Ấn Độ muốn bảo vệ nền kinh tế của nước này nhưng không muốn vắng mặt trong RCEP. Năm 2050, các nền kinh tế RCEP có thể tạo 250 nghìn tỷ USD và Trung Quốc cùng Ấn Độ sẽ nắm giữ hơn 75%. Do vậy, nếu Thủ tướng Modi có thể hòa hảo được với "con hổ" thì ông sẽ tiến được thêm chặng đường xa hơn nữa.

Hà Linh/Báo Tin tức