03:22 01/03/2015

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT: Bộ đã tính toán kỹ quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ

Những giải pháp mang tính kỹ thuật để không gây quá nhiều thí sinh ảo, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh cũng như tính khoa học trong tuyển sinh đã được Bộ GD - ĐT tính toán kỹ và thể hiện rõ trong quy chế.

"Những giải pháp mang tính kỹ thuật để không gây quá nhiều thí sinh ảo, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh cũng như tính khoa học trong tuyển sinh đã được Bộ GD - ĐT tính toán kỹ và thể hiện rõ trong quy chế”, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức.

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga

P/v: Thứ trưởng có thể lý giải về các nguyện vọng và việc xét tuyển của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015?

Thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả, trong đó có một giấy được xét tuyển nguyện vọng 1. Ba giấy còn lại để xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Như vậy có sự khác biệt giữa hai đợt xét tuyển này, thể hiện qua giấy chứng nhận.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh và cũng không gây quá nhiều thí sinh ảo cho các trường, qui chế qui định rõ trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường. Như vậy, trong thời gian xét tuyển nguyện vọng này, thí sinh cần theo dõi thống kê tình hình nộp hồ sơ xét tuyển nhà trường công bố, nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, thì được phép rút hồ sơ nộp sang trường khác. Với nguyện vọng 1, thí sinh cần cân nhắc cẩn thận.

Sau đợt xét tuyển nguyện vọng 1, nếu không trúng tuyển, thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng kí xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường. Khi đăng ký nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tối đa vào ba trường khác nhau ở mỗi đợt xét tuyển.

Điều này khác hẳn với kỳ thi “3 chung” trước đây. Ở kỳ thi trước đây, thí sinh có thể đăng ký dự thi tối đa hai khối thi ở 2 đợt thi khác nhau, mỗi khối vào 1 ngành của 1 trường. Nếu không trúng tuyển, các em phải tham gia xét tuyển các đợt bổ sung. Còn năm nay, ngay ở đợt đầu tiên, tuy đăng ký xét tuyển vào một trường, nhưng các em có 4 nguyện vọng khác nhau, với các tổ hợp xét tuyển khác nhau.

Còn trong các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các em có thể đăng ký đến 12 nguyện vọng vào các ngành khác nhau. Điều này tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào các trường mà các em yêu thích. Kinh nghiệm cho thấy, sau đợt xét tuyển thứ nhất, các trường đã tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu. Những đợt tuyển tiếp theo, tuy số ảo sẽ nhiều nhưng số lượng chỉ tiêu còn lại không lớn nên không gây khó khăn nhiều cho các nhà trường.

P/v: Có ý kiến cho rằng, những trường tốp trên sẽ chỉ xét tuyển đợt một mà không xét những đợt tiếp theo, khiến thí sinh thiệt thòi. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Như đã nêu trên, 70% thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, còn lại 30% có thể dịch chuyển qua các trường. Bộ mở ra các đợt xét tuyển để thí sinh có cơ hội chọn được trường phù hợp và các trường có nguồn tuyển đủ chỉ tiêu. Cũng nên xác định, nguồn tuyển so với chỉ tiêu thường cao từ 3-4 lần và rất dồi dào. Thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 31/10, vì vậy không lo các trường không tuyển được học sinh; đồng thời, không lo thí sinh không tìm được cơ hội.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Lê Vân