03:12 25/03/2020

Thứ trưởng Bộ Công Thương lý giải vì sao đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo

Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã trả lời báo chí về đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo sau khi có thông báo tạm dừng làm thủ tục xuất khẩu gạo của Tổng cục Hải quan.

Thưa Thứ trưởng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải Quan đã có văn bản đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo theo yêu cầu của Chính phủ, tuy nhiên ngay sau đó Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến nghị là nên tiếp tục xuất khẩu gạo, vì sao Bộ Công Thương lại đưa ra phương án này?

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra kết luận tạm giãn tiến độ giao gạo xuất khẩu đến cuối tháng 5 thì một số doanh nghiệp (DN) ở một số tỉnh có phản ánh với chúng tôi là có thể số liệu của Bộ Công Thương chưa thể hiện được chính xác, có thể có độ vênh nhất định.

Theo các DN ở các tỉnh, số lượng gạo hiện nay còn ở trong kho của doanh nghiệp và còn lại trong dân có thể nhiều hơn số liệu mà Bộ Công Thương có; cộng thêm tiến độ xuất khẩu gạo trong tháng 3 có thể không mạnh như 2 tháng đầu năm. Trên tinh thần như vậy, chúng tôi xin phép Thủ tướng Chính phủ cho phép chúng tôi thêm thời gian để có thể đi làm việc với các tỉnh cũng như các DN, xác minh lại số liệu một lần nữa cho chính xác.  Đó là đề xuất của Bộ Công Thương.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trả lời báo chí.

Tại sao lại có độ vênh về số liệu như vậy, thưa ông?

UBND  các tỉnh cũng như 1 số DN cho rằng có thể có độ vênh về số liệu giữa sản lượng xuất khẩu trong tháng 3, các DN cho rằng xuất khẩu trong tháng 3 đã chững lại, không lớn như Bộ Công Thương dự kiến, nhưng tháng 3 chưa kết thúc nên chúng ta cũng rất khó nói ý kiến nào đúng, ý kiến nào không đúng

Thứ 2, một số tỉnh, một số DN cho rằng lượng tồn kho ở trong dân cũng như lượng dự trữ trong các DN có thể lớn hơn số liệu Bộ Công Thương nắm được.

Độ vênh này có thể hiểu được vì trước đây chúng ta có công cụ để nắm bắt các số liệu đó nhưng từ năm 2018 khi chúng ta quyết định tự do hóa việc xuất khẩu gạo thì Bộ Công Thương không còn công cụ đó nữa. Cụ thể, Nghị định 107 của Chính phủ ban hành năm 2018 đã quy định để tự do hóa xuất khẩu gạo thì chỉ giữ lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo, còn các công cụ khác như báo cáo về lượng hàng xuất khẩu, lượng hàng đã mua, lượng tồn kho, tiến độ thực hiện hợp đồng trước đó thì không còn nữa. Do đó, hiện Bộ Công Thương chủ yếu điều hành dựa trên số liệu tổng hợp của Tổng cục Hải Quan về số lượng đã xuất khẩu cũng như số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về sản lượng trong vụ thu hoạch bao nhiêu, có bao nhiêu triệu tấn tồn trong dân. Trên cơ sở số liệu tổng đó chúng tôi đưa ra đề xuất kiến nghị của mình.

Thưa ông, trong các yêu cầu về đảm bảo xuất khẩu gạo có phương án tạm trữ lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Nếu chúng ta không cân đối kỹ mà tiếp tục xuất hoặc tạm dừng xuất khẩu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc sản xuất của người nông dân cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?

Trong các quy định của nhà nước hiện hành thì các DN xuất khẩu phải dự trữ 5% tổng lượng xuất khẩu trước đó để phục vụ cho dự trữ lương thực quốc gia. Bản thân dự trữ lương thực quốc gia cũng mua từ 200.000 tấn đến 300.000 tấn để đảm bảo dự trữ lưu thông. Với sản lượng hiện nay chúng ta đã thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long là độ 9 triệu tấn thóc, tương đương với hơn 4 triệu tấn gạo, trong điều kiện bình thường thì tôi khẳng định chúng ta không bao giờ thiếu gạo. Chúng ta không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn có cả phục vụ cho xuất khẩu.

Nhưng hiện nay tình hình đang có nhiều biến động khó lường, ví dụ như  nhu cầu thị trường trên thế giới tăng mạnh về các nhu yếu phẩm chính, vì vậy hút gạo xuất  khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, ở trong nước, nếu như tình hình có gì đột biến xảy ra thì không loại trừ khả năng yếu tố tâm lý sẽ có hiện tượng mua tích trữ gạo. Tức là trong điều kiện bình thường chúng ta không thiếu nhưng trong những điều kiện đặc biệt thì có thể đứng trước rủi ro trong xuất khẩu gạo. Chính vì vậy chúng ta phải có biện pháp để đảm bảo trong mọi trường hợp vẫn luôn đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Xuất phát từ đó mà bộ Công Thương có đề xuất giãn xuất khẩu gạo.

Chúng tôi đã báo cáo và trình Chính Phủ một số phương án. Phương án 1 là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5. Phương án 2 là đưa ra chế độ giấy phép xuất khẩu. Mục đích để làm sao chúng ta kiểm soát được tốc độ xuất khẩu, đảm bảo thực hiện các hợp đồng chúng ta đã ký nhưng vừa đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, đây là yếu tố quan trọng nhất. 

Sau khi cân nhắc ý kiến của các bộ ngành thì Thủ tướng chọn phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu đến cuối tháng 5. Khi  tạm giãn xuất khẩu sẽ xuất hiện 1 số vấn đề. Với các hợp đồng đã ký với bên ngoài thì trong trường hợp đó, DN có thể sử dụng đây là 1 trường hợp bất khả kháng do quyết định của Chính phủ chứ không phải là hủy hợp đồng mà là tạm giãn tiến độ giao hàng đến cuối tháng 5. Do vậy, các DN sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó. Thứ 2, nếu DN gặp khó khăn do vay vốn ngân hàng thì chúng tôi dự kiến làm việc với ngân hàng để giãn thời gian trả nợ cho họ.

Tất cả chúng ta phải có sự kiểm soát để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, đặt mục tiêu đó là mục tiêu cao nhất, còn câu chuyện khó khăn đến với doanh nghiệp là câu chuyện dễ hiểu, câu chuyện đó chúng tôi cũng có tính toán nhất định làm sao để giảm nhẹ khó khăn đó của các DN.

Ông nói Bộ Công Thương cần thời gian kiểm tra độ vênh về số liệu, vậy khi nào thì có kết quả, thưa ông?

Điều này phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng, như tôi trình bày chúng tôi đã báo cáo lại Thủ tướng cho chúng tôi thêm thời gian xác minh lại số liệu sau báo cáo của các tỉnh và các DN. Nếu như Thủ tướng đồng ý với ý kiến đó thì chúng tôi sẽ tổ chức làm việc sớm với UBND các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng như các DN xuất khẩu chủ chốt để nắm lại số liệu chuẩn xác lần nữa, trên tinh thần tuyệt đối đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức