11:12 17/11/2015

Thủ phạm xả súng nhà hát Bataclan có tên "Hồ sơ S"

Omar Ismail Mostefai, thủ phạm vụ xả súng tại nhà hát Bataclan (Paris) ngày 13/11 làm ít nhất 89 người chết và hàng trăm người khác bị thương, vốn có tên trong bản danh sách những đối tượng có xu hướng cực đoan hoặc có nguy cơ trở thành khủng bố do cơ quan cảnh sát Pháp lập và theo dõi.


Lực lượng cứu hộ chuyển người bị thương trong vụ tấn công ở nhà hát Bataclan ngày 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Pháp Manuel Valls xác nhận danh sách này có tới hơn 10.000 cái tên.

Một nguồn tin cảnh sát cho hay, danh sách mang tên "Hồ sơ S" này được cập nhật hàng ngày, bổ sung những cá nhân bị tình nghi có liên quan tới các nhóm hoặc phong trào khủng bố. Các đối tượng được phân loại thành 15 nhóm từ các cổ động viên bóng đá quá khích tới những tay súng Hồi giáo trở về từ Iraq và Syria. Những người có tên trong danh sách tình nghi sẽ bị giám sát đặc biệt trên hệ thống radar của các cơ quan mật vụ nếu bị bắt hoặc bị kiểm tra. Một số cá nhân trong danh sách này đã từng bị kết án vì các hành động khủng bố, trong khi những người còn lại bị tình nghi có xu hướng cực đoan quá khích. Việc rà soát các đối tượng tình nghi không chỉ diễn ra trong nước mà còn có sự kết hợp với nước ngoài và sự chia sẻ thông tin giữa các cơ quan mật vụ ở các quốc gia khác

Thực trạng một số thủ phạm thực hiện các thảm kịch khủng bố như vụ giết và bắt giữ con tin tại Isere hồi tháng Sáu vốn có tên trong "Hồ sơ S" suốt hai năm song không được cảnh sát lưu ý làm dấy lên nghi ngờ một trong các nguyên nhân nước Pháp chịu nhiều vụ tấn công khủng bố gây nhiều thương vong là do những đối tượng cực đoan quá khích chưa được giám sát chặt chẽ.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp lưỡng viện Quốc hội Pháp ngày 16/11, Tổng thống Francois Hollande kêu gọi tiêu diệt hoàn toàn Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Ông cam kết ngoài tăng cường các hoạt động không kích ném bom nhằm tiêu diệt IS tại Iraq và Syria, những biện pháp an ninh mới siết chặt hơn ở trong nước cũng sẽ được áp dụng để đáp trả lại chủ nghĩa khủng bố.

Một nguồn tin chính phủ cho biết bất chấp theo luật về tình trạng khẩn cấp từ năm 1955, vốn chỉ được áp dụng tình trạng này trong nước tối đa trong 12 ngày, ông Hollande kêu gọi quốc hội thông qua kế hoạch kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng và tuyển dụng thêm 8.500 cảnh sát và nhân viên tư pháp phục vụ cho nhiệm vụ chống khủng bố. Ông cũng kêu gọi sửa đổi Hiến pháp để có thể áp dụng những biện pháp an ninh mạnh tay hơn. Kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố 3 tiếng sau khi xảy ra thảm kịch tại Paris đêm 13/11 cho tới nay, cơ quan an ninh Pháp đã tiến hành khoảng 168 chiến dịch truy quét đối tượng tình nghi tại nhiều thành phố của Pháp. Theo Bộ trưởng nội vụ Bernard Cazeneuve cho tới nay hơn 100 người bị quản thúc tại nhà, 23 người khác bị bắt giam và 31 vũ khí các loại bị tịch thu sau các cuộc đột kích. Pháp cũng đang cân nhắc khả năng quản thúc tại gia đối với những đối tượng trở về từ Syria.

TTXVN/Tin Tức