01:20 24/01/2015

Thủ phạm vẫn còn tới hôm nay?

Mỗi cá nhân ở khu tập thể có biệt danh là “Quân khu Phượng Hà” ấy là một tính cách rất điển hình.

Mỗi cá nhân ở khu tập thể có biệt danh là “Quân khu Phượng Hà” ấy là một tính cách rất điển hình.

Những con người ở khu tập thể với niềm hào hứng buôn chuyện và đổ tội cho người khác.


Ông Tỷ mỗi năm chuyển một công ty, nhưng chuyển là đặt điều kiện phải cho lên lương mới chịu đi. Thế mà công ty nào cũng sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện chỉ cần ông đi khỏi, bởi không thể chịu nổi sự soi mói, tọc mạch, động tí đòi đi kiện của ông. Ở khu phố, ông cũng là người soi mói bậc nhất, chuyện gì cũng biết, đến cả chuyện nhà nào hay bật nhạc to, hay có khách tới chơi; nhà nào có con gà cứ 3 giờ sáng gáy khiến ông mất ngủ; thậm chí là chuyện nhà nào vợ chồng hay… trung tiện. Soi mói, luôn tìm ra cái xấu của người khác, nhưng bản thân ông lại chính là người ăn cắp gạch của công trường, là người câu điện trộm của khu tập thể.


Ông Đời luôn quát nạt, bạo lực với vợ về mặt tinh thần, nhưng lại khúm núm, nịnh hót trước mặt cấp trên; vờ tổ chức sinh nhật vợ để lấy lòng cấp trên dù phải… 4 tháng nữa mới ngày sinh của vợ. Chỉ vì muốn được lòng ông Uy, một cán bộ cấp cao, mà ông Đời sẵn sàng nịnh nọt cả bà Uy, cả cậu con trai ông Uy là Ngọc- một đứa trẻ đầy tính xấu. Sự nịnh nọt, khúm núm, hèn mạt của ông Đời đã khiến Thịnh, con trai ông, thất vọng và thành một đứa trẻ xấu, dám đâm người cướp của.


Không gian sân khấu được thực hiện rất tỉ mỉ, chính xác, tạo hiệu ứng tốt cho vở diễn.


Ông Uy, lúc nào cũng trịnh trọng, hách dịch; tự cho mình có đủ mọi quyền hành và đứng trên pháp luật chỉ vì mình là cán bộ cấp cao. Chính ông đã gián tiếp dẫn tới sự xuống cấp đạo đức của con trai mình, dẫn tới việc Ngọc phải vào tù vì cùng Thịnh đi cướp của giết người.


Cùng với đó là một bà “Loa” chuyên đưa chuyện, hóng chuyện; một anh Thông, công an khu vực, nhưng quan liêu, không nắm được bất cứ thông tin gì về địa bàn mình phụ trách…


Tất cả những con người đó, mỗi người một nét xấu; nhưng lại đổ dồn sự “kỳ thị” vào Vinh, một thanh niên đã phải đi cải tạo vì những lỗi lầm trong quá khứ, giờ chỉ có một mong muốn làm lại cuộc đời. Và hả hê vì khiến một kẻ như Vinh không còn chỗ dung thân: Người lớn đề phòng, né tránh; trẻ con không chơi cùng… Khu tập thể mất gì, có chuyện xấu gì xảy ra trong khu tập thể, cũng là lỗi của Vinh. Sự kỳ thị khiến Vinh phải sống trong cảnh ngột ngạt, có muốn làm người tử tế cũng không thể được vì không có ai tin mình. Cũng rất may, vẫn còn những “dây neo” cho Vinh là cô bé Diệp trong sáng, cảnh sát Trần Chiến nhân hậu và công bằng và người bạn chiến đấu của bố mẹ Vinh.


Cái khu tập thể ấy là vào những năm 80, có nghĩa là đã hơn 30 năm trước, nhưng câu chuyện ở đó vẫn rất mới, dù cái không gian sân khấu thì đúng nguyên thời bao cấp rồi với vòi nước công cộng sáng ra cả khu xếp hàng chở nước nhỏ từng giọt vào xô nhôm; với nhà vệ sinh công cộng với hàng dài người cầm sẵn giấy ở tay, không ai đứng yên nổi bởi đã chờ quá lâu chưa tới lượt, với bản tin đen chữ viết bằng phấn trắng, còn nham nhở cả lỗi chính tả…Và rồi những giai điệu nhạc đúng năm 80 được chọn rất cẩn thận cho đúng… Bởi, giữa cái không gian cũ vô cùng cũ ấy, giữa cái tiếng nhạc xưa vô cùng xưa ấy; khiến người ta- những người một thời đã trải qua, thấy nôn nao lắm ấy; vẫn là những câu chuyện đến nay vẫn mới. Câu chuyện về sự giả tạo trong cuộc sống, về những kỳ thị đến giờ vẫn không thoát khỏi của người với người, về việc “bé không vin lớn gẫy cành”, về “gieo nhân nào, nhận quả nấy”. Với những người cha giả tạo như ông Đời, người mẹ câm lặng như vợ ông Đời; với những người cha- người mẹ cậy quyền cậy thế tự cho mình “làm trời làm bể” như ông bà Uy, thì tất nhiên sẽ có những người con như Thịnh, như Ngọc; cũng giả tạo, cũng đê tiện, cũng tự cho mình quyền đứng trên kẻ khác chỉ vì bố mẹ mình quyền cao chức trọng…


Và điều đáng nói hơn, là cái sự xâu chuỗi xưa- nay mà đạo diễn- NSƯT Chí Trung đã chọn để dàn dựng vở diễn này: Nói chuyện xưa mà ngẫm chuyện nay. Nên, người ta hiểu và ngầm hiểu: Những đứa trẻ ngày xưa đã thành người lớn hôm nay, thậm chí là những người có vị trí trong xã hội, với tính cách ấy, đạo đức ấy lớn lên cùng năm tháng, mang tới ngày hôm nay… thì rõ ràng đó là nguyên nhân dẫn tới nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội hiện nay, nạn tham nhũng, sự lợi dụng chức quyền, thói con ông cháu cha… “Những chuyện cũ đến thế mà hóa ra giờ xem lại vẫn mới nguyên, đó mới là điều khiến ta đau lòng. Đau lòng vì những chuyện bao năm nay, những tồn tại như thế, mà chúng ta đến nay vẫn chưa giải quyết được, vẫn để nó là vấn đề nhức nhối trong xã hội”, NSND Lê Khanh, người đảm nhiệm vai vợ ông Đời trong vở diễn, chia sẻ.


Vở diễn không có nhiều cao trào, không có nút thắt đỉnh điểm; nhưng luôn có một sự nghèn nghẹt trong cái không gian những tưởng nhàm chán của cuộc sống tập thể ấy. Cái nghèn nghẹt của những con người không thể yêu thương người khác, cái nghèn nghẹt của những con người luôn tìm cách đổ tội cho người khác, những mong như thế là mình trong sạch. Cái nghèn nghẹt khi cái tốt như Diệp, như Vinh thấy mình bất lực và đau đớn. Diệp thì chọn cách yêu thương nhưng cũng thỏa hiệp. Còn Vinh thì chọn cách phá phách và ngông cuồng… Khi và chỉ khi mọi chuyện được hóa giải nhờ sự vào cuộc của những người tốt như cán bộ công an Trần Chiến, thì cuộc sống mới trở lại đúng quỹ đạo của nó, luật pháp mới được thực thi và cái tốt mới có được chỗ đứng ở vị trí trung tâm cuộc sống (cảnh hạnh phúc của Vinh- Diệp và những đứa trẻ của họ).


Thật sự hài lòng sau hơn 2 tiếng với 7 cảnh của “Ai là thủ phạm?”. Một kịch bản không quá xuất sắc của tác giả Lưu Quang Vũ, nhưng được dựng thật mượt mà, khó có gì mà chê nổi; lại được sự toàn tâm của 3 thế hệ diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ cùng vào cuộc, như một sự tri ân với nhà viết kịch đã gắn bó với Nhà hát trong suốt bao năm qua… Một vở diễn đẹp và hài lòng, xứng đáng để trở thành kịch mục cho 100 suất diễn, với hơn 70.000 vé miễn phí, dành tặng cho đông đảo khán giả của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và miền Trung, trong chương trình “Chắp cánh niềm tin” do Ngân hàng SHB tài trợ và Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện. 4 tỷ đồng dành cho chương trình, một phần trong đó để dựng vở, xem ra, tiền bỏ ra đã “đáng đồng tiền bát gạo”.


T.Anh