12:16 16/12/2011

Thủ phạm khiến hội nghị BĐKH Durban (Nam Phi) thất bại

Mạng tin "Economywatch" ngày 15/12 nhận định thủ phạm khiến các cuộc đàm phán về chống biến đổi khí hậu tại Durban, Nam Phi vừa qua thất bại chính là việc tất cả các nền kinh tế lớn đều theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Phân tích của "Economywatch" cho rằng cả Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều đang tập trung cải thiện và duy trì khả năng tăng trưởng riêng tốt nhất có thể trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy sáng sủa. Đặc biệt, Mỹ và Trung Quốc không muốn từ bỏ việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế cho các nước này.

Tại Hội nghị Durban, Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét việc cắt giảm lượng khí thải nếu Mỹ ký vào một hiệp định ràng buộc toàn cầu, trong khi hiểu biết chung hiện nay cho thấy Mỹ chưa thể nghĩ đến một hiệp định khí hậu ràng buộc vì những lý do chính trị trong nước. Thực tế, Trung Quốc không chỉ dẫn đầu về tổng lượng khí thải quốc gia mà còn đứng đầu về mức tăng khí thải do sử dụng quá nhiều than đá.

Các đại biểu dự Hội nghị COP 17 tại Durban, Nam Phi. Ảnh: THX/ TTXVN


Như vậy, trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, chỉ có châu Âu sẵn sàng tham gia giai đoạn II của Nghị định thư Kyoto trước khi giai đoạn I của nghị định duy nhất quy định cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu này kết thúc vào cuối năm 2012.

Ở một mức độ nhất định, sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới có thể tách rời khí thải carbon. Ví dụ như trong những năm 1990, các nước công nghiệp đã tiến hành phần lớn các hoạt động sản xuất tại nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, quốc gia đã đốt than đá để sản xuất hàng hóa tiêu dùng của Mỹ; trong khi đó, ngành tài chính phát đạt khi nợ tăng cao hơn GDP.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, hầu hết ảnh hưởng tách biệt này đã biến mất trên toàn cầu và việc sử dụng năng lượng đang song hành với mức tăng trưởng GDP. Năm 2010, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thực tế còn tăng nhanh hơn GDP.

Khả năng thế giới phát triển kinh tế trong khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo là có, tuy nhiên các loại năng lượng tái tạo cần lượng vốn đầu tư rất lớn, nhất là đầu tư ban đầu quá đắt trong bối cảnh vốn đầu tư và tín dụng khan hiếm hiện nay. Vì vậy, khi dầu mỏ và than đá đang ngày càng trở nên đắt giá, các nước thường giải quyết những khó khăn về nguồn cung năng lượng bằng việc mua thêm các loại nhiên liệu hóa thạch chất lượng kém hơn, như dầu cát, khiến vấn đề khí hậu trở nên trầm trọng hơn.
Vòng luẩn quẩn trên chỉ có thể thay đổi nếu thế giới quan ngại về tăng trưởng ngắn hạn ít hơn triển vọng tồn tại lâu dài của nhân loại. Nhưng có thể đến lúc đó, đã quá muộn để tránh sự biến đổi khí hậu thảm họa và không thể đảo ngược. Thế giới vẫn có thể được lợi nếu từ bỏ việc đi tìm tăng trưởng vô nghĩa và phản tác dụng bằng mọi giá.

TTXVN/Tin Tức