01:08 19/01/2013

Thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm từ cây có múi

Hơn 30 năm trồng cây có múi và hiện thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm từ loại cây này, ông Nguyễn Văn Ba, ở ấp 3, xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Hơn 30 năm trồng cây có múi và hiện thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm từ loại cây này, ông Nguyễn Văn Ba, ở ấp 3, xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được tặng Kỷ niệm chương người trồng cây có múi lâu năm nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn trái gặp nhiều khó khăn như hiện nay, tìm một mô hình sản xuất bền vững là điều ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân để khắc phục điệp khúc “trồng chặt, chặt trồng” thường xuyên diễn ra. Với mô hình trồng chuyên canh cây cam sành, ông Nguyễn Văn Ba là một nông dân điển hình của mô hình sản xuất mang tính bền vững ở địa phương đầu nguồn vùng lũ. Cách đây hơn 3 thập kỷ, gia đình ông Ba là một trong những hộ nghèo nhất vùng vì 7 nhân khẩu chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập ít ỏi từ 1,7 công (1.700m2) ruộng trồng lúa năng suất bấp bênh. Không cam chịu cảnh nghèo khó, ông mạnh dạn chuyển hết diện tích đất lúa sang trồng cây ăn trái.

 

Ông Ba chọn cây cam để phát triển kinh tế gia đình vì ông nghĩ cam là loại trái cây được người tiêu dùng tiêu thụ quanh năm. Miệt mài lao động sản xuất, nhất là không ngừng tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vườn cam, chỉ sau 4 năm, ông Ba thu hoạch những lứa cam đầu tiên. Những năm tiếp theo, năm nào vườn cam của ông cũng đạt năng suất cao, cộng thêm giá bán ổn định nên gia đình ông nhanh chóng thoát khỏi khó khăn. Đây chính là động lực lớn để người nông dân sản xuất giỏi này quyết tâm đầu tư cho cây cam hơn nữa.

 

Từ thành quả lao động khả quan này mà cả thời gian dài sau đó, mỗi khi dành dụm được tiền mua đất vườn là ông Nguyễn Văn Ba lại trồng cây có múi. Hiện ông có hơn 2 ha vườn trồng cam, quýt và bưởi, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Thông thường, cây có múi thường có tuổi thọ ngắn, trung bình dưới 10 năm, nhưng trong vườn cây này có rất nhiều cây quýt, cây bưởi có tuổi trên 30 năm. Đặc biệt, năng suất và chất lượng không thua gì các cây trẻ hơn. Đây cũng chính là thành tích để ông Nguyễn Văn Ba là một trong hai nông dân vùng ĐBSCL được tặng Kỷ niệm chương người trồng cây có múi lâu năm.

 

Theo kinh nghiệm của ông Ba, muốn cây có múi không bị suy kiệt, sống thọ mà vẫn cho năng suất, chất lượng cao, nông dân cần bón phân hữu cơ kết hợp cân đối với phân vô cơ. Nhiều năm qua, vườn cây của ông Ba luôn có năng suất cao hơn 10% so với năng suất bình quân chung của vùng. Sản phẩm được thương lái ưa chuộng, mua giá cao hơn giá thị trường vì mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình sản xuất tiến bộ của người nông dân trồng cây có múi lâu năm ở vùng ĐBSCL này được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam ghi nhận và thường xuyên đưa nông dân các tỉnh đến đây tham quan, học tập kinh nghiệm.

 

 

Công Trí