02:13 27/02/2018

Thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm từ mô hình 'đa cây, đa con'

Anh La Văn Dũng, sinh năm 1980, ngụ thôn Quỳnh Ngọc 2, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đã nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ mô hình kinh tế đa cây đa con.

Đàn vịt thịt và vịt đẻ trứng 1.000 con của anh La Văn Dũng.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, anh La Văn Dũng quyết định lấy sản xuất nông nghiệp làm hướng đi trong phát triển kinh tế. Sau thời gian tham gia các buổi tập huấn và tự tìm hiểu những mô hình chăn nuôi, năm 2006, anh Dũng bắt đầu “chinh phục” vùng quê nghèo bằng 1ha diện tích mặt nước. Trên diện tích này, anh nuôi 9.000 cá giống và 1.000 con vịt.

Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, anh Dũng gặp không ít khó khăn và thua lỗ ngay từ khi khởi nghiệp. Không nản chí, anh học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi.

Sau đó, anh tiếp tục cải tạo diện tích đồng ruộng để trồng lúa nước, dùng một phần bông lúa và cây lúa làm thức ăn cho vịt, cá, đồng thời tiến hành thả cá giống, nuôi vịt trên cùng diện tích mặt nước. “Mô hình này có những ưu việt nhất định, khi cùng một diện tích mặt nước có thể nuôi cá và thả vịt, tận dụng nguồn thức ăn từ cây lúa, giúp hạn chế thức ăn công nghiệp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận”, anh Dũng nói.

Khi tìm được hướng phát triển kinh tế hiệu quả, anh Dũng đã bắt đầu tích lũy vốn, lấy ngắn nuôi dài với ý định mở rộng quy mô sản xuất, làm giàu bằng mô hình đa cây đa con. Năm 2016, anh Dũng mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 600 triệu đồng để mở rộng diện tích nuôi trồng.

Với số vốn có được, anh La Văn Dũng thuê diện tích mặt nước và đất của bà con trong vùng để đầu tư mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt cho năng suất cao. Đến nay, anh Dũng đang sở hữu 4,5 ha mặt nước nuôi cá, vịt; 7 ha lúa nước; 2 ha cà phê; hơn 1 ha khoai lang giống Nhật… Theo tính toán của anh Dũng, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm mô hình này cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Nếu phát huy hết diện tích chăn nuôi, trồng trọt đang có, mỗi năm mô hình này có thể thu lãi gần 1 tỷ đồng, anh Dũng chia sẻ.

Để hạn chế dòng nước lũ hàng năm tràn vào ao, cuốn theo lượng lớn cá, anh Dũng dự định sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn, tiến hành nạo vét lại hệ thống ao cá, dùng lưới sắt kiên cố bao quanh diện tích nuôi cá... Bên cạnh đó, anh đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi, xác định đây là bước đi dài hơi để phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo hướng bền vững.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh La Văn Dũng còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ sản xuất cho các hộ dân muốn phát triển kinh tế bằng mô hình đa cây đa con; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng cùng 20 lao động thời vụ khi đến mùa thu hoạch sản phẩm.

Mô hình phát triển kinh tế này đã được Tỉnh Đoàn Đắk Lắk công nhận là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên địa phương cần nhân rộng và phát huy. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh La Văn Dũng còn là một Phó Bí thư Chi đoàn gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động đoàn và phong trào thanh thiếu niên của thôn Quỳnh Ngọc 2, xã Ea Na. Anh luôn động viên thanh niên nông thôn sống, làm việc theo pháp luật, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và xã hội.

Từ hai bàn tay trắng, anh La Văn Dũng đã vượt qua mọi khó khăn để có được thành công, là tấm gương về tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên để các bạn thanh niên học tập, noi theo.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)